JA slide show

Tin tức

Đồng Tháp làm gương về tái cơ cấu nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tư duy, cách làm của Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp đáng để các địa phương trên cả nước học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện của mình.

 

Thủ tướng đánh giá cao tư duy, cách làm của Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 12/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp.

Tái cơ cấu nông nghiệp với tinh thần phục vụ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,02%. Có 187 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 4.207 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng. Thu hút được 1,35 triệu lượt khách du lịch, tăng 5,7%.

Một điểm sáng là việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhiều năm liền đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu và 2 năm liên tục (2014-2015) đứng thứ 2 cả nước.

Tỉnh đã tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như thăm viếng, mở hộp thư điện tử, mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, điểm hẹn doanh nhân và cà phê doanh nghiệp… Tỉnh thực hiện, nhân rộng nhiều mô hình như “Nụ cười công sở”, mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, “Đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân đối với công chức”.

Tại cuộc làm việc, tỉnh cũng báo cáo về tình hình triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất 5 ngành hàng (lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra, vịt). Tỉnh cơ bản giải được bài toán “được mùa mất giá” đối với lúa gạo, xoài; chi phí sản xuất lúa đã giảm hơn 600 đồng/kg và lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo tập quán cũ, xoài đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính (Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand), phần lớn diện tích nuôi cá tra của tỉnh được cấp mã số. Lợi nhuận trên 1 ha đất trồng trọng đạt khoảng 10 triệu đồng/năm; lợi nhuận trên 1 ha nuôi trồng thủy sản tăng 3,2%...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, tinh thần cơ bản của tái cơ cấu nông nghiệp tại Đồng Tháp là: Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, tăng chế biến.

Tận dụng 2 thời cơ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tâm huyết, năng động, sáng tạo, quyết liệt của Đồng Tháp trong chỉ đạo, điều hành. Tỉnh có sự tiến bộ toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thực hiện tái cơ cấu một cách bài bản, đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực như ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị… Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết mô hình của Đồng Tháp để nhân rộng trên cả nước.

Đánh giá cao công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Đồng Tháp, Thủ tướng cho rằng, tỉnh đã đổi mới thực sự, tạo nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp.

“Thành công của các đồng chí là bài học quan trọng về cách ứng xử với người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không được chủ quan, lơ là. Tỉnh cần tích cực thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội 2016, Nghị quyết 19, 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra năm 2016.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh về 2 thời cơ mà nếu không tận dụng tốt thì sẽ trở thành nguy cơ. Đó là việc nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều FTA. Thứ hai là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, mạnh của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nguy cơ nhưng buộc chúng ta phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh, mạnh hơn mà nếu thành công, sẽ biến đây là thời cơ.

Về các đề xuất, kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác đã gợi mở, “hiến kế” cho tỉnh Đồng Tháp về các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Các ý kiến cho rằng, Đồng Tháp, tỉnh đứng thứ 3 cả nước về sản lượng lúa và đứng đầu về sản lượng cá tra, cần tiếp tục giữ sự nhiệt huyết, quyết liệt trong tái cơ cấu nông nghiệp, với việc triển khai nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ.

Một số ý kiến khuyến cáo Đồng Tháp về vấn đề biến đổi khí hậu khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cũng như trong quy hoạch, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; bổ sung các trạm quan trắc nước tự động trên các triền sông; hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cần tính toán khép kíp chuỗi giá trị sản phẩm, bởi nếu sản xuất lãi 1 đồng thì thêm khâu chế biến sẽ lãi thêm 2 đồng và phân phối lãi thêm 3 đồng.

Với lợi thế sông ngòi nhiều, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tỉnh nên phát triển mạnh hơn nữa hệ thống giao thông đường thủy nội địa, cảng biển, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.

Tại cuộc làm việc, tỉnh có một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận bổ sung tỉnh Đồng Tháp vào Quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích 150-200 ha; chấp thuận chủ trương cho Đồng Tháp được thực hiện hợp tác công-tư với Tập đoàn phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KR) và được vay vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện dự án; tiếp tục bố trí bổ sung vốn ODA năm 2016 cho dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - tiểu dự án thành phố Cao Lãnh; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 30.

Đức Tuân

 
Trang 54 trong tổng số 167 trang