JA slide show

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Có gà đi bộ, bưởi da xanh... nông sản không sợ cạnh tranh

Các sản phẩm gia cầm mà điển hình là thịt gà là thế mạnh của Việt Nam trên sân nhà và có thể nâng cao thương hiệu khi hội nhập.
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, khi tham dự chương trình trao giải thưởng Sao Thần nông cho 10 nông dân xuất sắc và 4 HTX nông nghiệp kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng nói: “Tôi tin rằng ta có những nông sản không sợ sự cạnh tranh nào hết, như gà đi bộ, bưởi da xanh, vịt giời… Nói về thịt lợn, thịt gà thì chúng ta có thể thắng ngay trên sân nhà và thâm nhập vào các thị trường thế giới bằng chất lượng cao hơn, thương hiệu cao hơn trong thời gian tới".
Sự tin tưởng của Phó Thủ tướng được đưa ra trên cơ sở, nhiều chuyên gia nhận định sản phẩm gia cầm, điển hình đó là sản phẩm gà nuôi thả được xem là thế mạnh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Dẫn chứng, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, phát triển mạnh các giống gà thả vườn sẽ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.
Năm 2014, sản phẩm “gà đi bộ” có sản lượng 620.000 tấn, giá trị chiếm tới 70%, đạt 30.000 tỷ đồng, trong khi gà công nghiệp chỉ đạt 393.000 tấn. Con số này cho thấy gà thả vườn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở Việt Nam và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trong nội địa cũng như nhập khẩu.
Còn theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết, xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang gà nuôi thả. Thậm chí, nhiều quốc gia đã ra quy định cấm nuôi nhốt các loại gia cầm.
“Trên thế giới, giá trị gà đi bộ rất cao. Chúng ta đang nuôi thả vườn trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mô hình, nên lựa chọn nuôi gà thả vườn, gà đi bộ là lựa chọn hợp lý”, ông Khanh nói.
trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với ưu đãi thuế 0% sẽ là điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam mở rộng thị trường sang EU, Hoa Kỳ, Canada, Mexico.
Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu ngoại tệ, gia tăng thu nhập và góp phần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ những thách thức mà nông sản Việt Nam phải đối mặt, đó là các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, một phần ngô, đỗ tương và các nguyên liệu làm thức ăn gia súc là thế mạnh của Hoa Kỳ.
Do đó, để gia tăng và củng cố lợi thế của nông sản Việt Nam, Chính phủ có chủ trương nhất quán, lâu dài và căn cơ là kiên trì tái cơ cấu thành công nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất.
“Cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp và thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Về phía người nông dân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, để không làm ăn manh mún, hướng tới sản xuất lớn thì bà con phải liên kết với nhau thành các HTX kiểu mới, có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra và các hỗ trợ sản xuất khác.
Sắp tới, Chính phủ sẽ có nghị định riêng về HTX nông nghiệp, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực quản trị để giúp các HTX này phát triển và nâng cao chất lượng, tỉ lệ HTX làm “đầu ra”, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành văn bản kêu gọi cả nước xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới. Theo đó, có nội dung huy động các nguồn lực không chỉ của người nông dân mà cư dân thành thị, trong nước, ngoài nước, các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp trong chung sức xây dựng nông thôn mới.

A.Ngọc
Theo Trí thức trẻ