Không kỳ vọng một Chính phủ mới sẽ làm nên những kỳ tích, nhưng doanh nghiệp Việt đang cần một Chính phủ hành động, đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, một nền kinh tế thị trường dần hoàn thiện và đảm bảo quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của người dân.
Đây là những tâm huyết của ông Bùi Quang Vinh , nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chia sẻ trong buổi hội thảo “ Triển vọng kinh tế Việt Nam – Cơ hội nào cho doanh nghiệp ?” do Deloitte tổ chức ngày 17/5 tại TP.HCM.
5 hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Chính phủ mới
Ông Bùi Quang Vinh cho biết, mới đây ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ra Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với 5 hỗ trợ từ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, bảo vệ và tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ nhất, cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Thứ tư, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Nhận thức của Chính phủ về vai trò của doanh nghiệp ngày càng rõ nét, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của người dân; tự do kinh doanh cũng được thể hiện trong luật Doanh nghiệp sửa đổi, luật Đầu tư sửa đổi, luật Đấu thầu sửa đổi, thậm chí Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 mới đây đã bỏ tội cố ý làm trái và tội kinh doanh trái phép.
Do đó, từ 01/7/2016 tới đây sẽ không còn những vụ khởi tố “Cà phê Xin Chào” tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Năm 2020, Việt Nam có tối thiểu 01 triệu doanh nghiệp
Một trong những nội dung của Nghị quyết 35, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam có 534 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, so với số lượng đăng ký khoảng 600 – 700 nghìn doanh nghiệp.
Trong năm 5 qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới khoảng 17.000 doanh nghiệp nhưng giải thể khoảng 10.000 doanh nghiệp mỗi năm nên số lượng tăng thêm không nhiều.
Trong 534 nghìn doanh nghiệp có đến 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không có chiến lược đầu tư dài hạn, chỉ hoạt động “bóc ngắn cắn dài”.
Năm 2016, xếp Top 4 trong ASEAN
Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu trong năm 2016, Việt Nam xếp vị trí Top 4 trong ASEAN về môi trường đầu tư. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, điều này cũng chỉ trên Nghị quyết.
Vì theo xếp hạng của ngân hàng Thế giới (WB) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015, Việt Nam vẫn đứng vị trí rất thấp về môi trường đầu tư, kinh doanh, đứng thứ 106/140 nước, sau cả 05 nước trong khu vực: Indonesia, Philipin, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Để đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 35 mới ban hành cách đây 01 ngày, theo ông Bùi Quang Vinh, Việt Nam phải cấp thiết đưa ra các chương trình hành động để cải thiện hàng loạt các vấn đề trọng yếu:
Cải thiện năng suất lao động đang quá yếu
Năng suất lao động của Việt Nam rất yếu, mặc dù mỗi năm vẫn tăng vài ba phần trăm nhưng so với các nước trong khu vực vẫn rất tụt hậu xa.
Nếu tăng trưởng của Việt Nam chỉ dựa vào tăng vốn, nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên mà không phải dựa vào năng suất lao động công nghệ, quản lý, sáng tạo thì Việt Nam không thể phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tham nhũng, nhũng nhiễu đang là cản trở cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bỏ giấy phép con vì trái phép
Một số luật gần đây vẫn “đẻ” ra những giấy phép con, nhiều thủ tục trong khi luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 và luật Đầu tư đã quy định, chỉ có 267 ngành nghề thuộc kinh doanh có điều kiện, trong 267 ngành nghề này sẽ còn được thu hẹp lại.
Nhưng thời gian qua, việc kiểm soát của Chính phủ chưa tốt, có khoảng cách không nhỏ giữa việc đưa ra chỉ đạo của Chính phủ với các cấp thực hiện, nên đã có rất nhiều văn bản mới được ban ra trái với quy định của luật Đầu tư.
“Có doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam nói với tôi rằng: nó còn hành chúng tôi hơn cả trước đây”, ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, những điều kiện kinh doanh chỉ có hiệu lực khi nó là Nghị quyết của Chính phủ, Pháp lệnh hoặc Luật, ngay cả các Quyết định của Thủ tướng, Quyết định, Thông tư của các Bộ đặt ra các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp cũng không có giá trị.
Thực thi cơ chế thị trường
Chúng ta có quá nhiều Nghị quyết tốt cho doanh nghiệp nhưng không thực hiện được.
Không ai hiểu những hạn chế trong môi trường kinh doanh bằng doanh nghiệp, đó là: rào cản của thể chế, nền tảng kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, vấn đề tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường.
Các tài nguyên, khoáng sản quan trọng bậc nhất như: dầu khí là của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, quặng apatit của tập đoàn Hóa chất Việt Nam, than của tập đoàn Than Khoáng sản… tư nhân nào dám nhảy vào?
Những tài nguyên lớn nhất của đất nước không được phân bổ theo cơ chế thị trường: ai sử dụng tài nguyên tốt nhất thì được trao quyền sử dụng, mà được trao thẳng cho các doanh nghiệp Nhà nước quản lý không hiệu quả như mong muốn.
Về đất đai, Việt Nam chưa có thị trường đất đai hoàn chỉnh mà là một “thị trường ngầm” khi chưa công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, vẫn sử dụng hành chính để quy hoạch và phân bổ đất đai…
“Chúng tôi đánh giá Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới theo hướng tích cực, muốn thực hiện các FTA , TPP...”, ông Vinh nói.
Để cùng với Chính phủ hành động, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đoàn kết lại, chỉ ra những yếu điểm trong cơ chế, những nhũng nhiễu để Chính phủ có những xử lý thích đáng, tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công bằng, hiệu quả.
Theo Lan Anh
BizLIVE