Việc nhiều địa phương “xuất quân” rầm rộ kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cùng sự hưởng ứng của những “sếu đầu đàn” - những tập đoàn lớn, đang mở ra hy vọng mới về một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.
Để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp Việt Nam đang dần đuối sức khi vốn đầu tư cho nông nghiệp ngày càng mỏng, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Sự sụt giảm tới 1,23% tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực nông nghiệp riêng trong quý I/2016 chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất. Trong bối cảnh phát triển theo chiều rộng không còn thích hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là lời giải cho bài toán về phát triển theo chiều sâu, bài toán về thị trường, chất lượng, hội nhập và về biến đổi khí hậu. Đây còn là chìa khóa để tái cơ cấu nông nghiệp.
Song do đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn chậm và rủi ro cao, nên lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tăng chậm trong nhiều năm qua.
Điểm đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều địa phương đã nhận thức được sự cấp thiết cần phải phát triển nông nghiệp, từ đó đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn lớn như TH true MILK, Vingroup, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát…
Sự xuất hiện của những “con sếu đầu đàn” đang hứa hẹn khả năng hình thành “sóng” đầu tư mới vào nông nghiệp công nghệ cao, từ đó, cánh cửa dẫn vốn vào nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng rộng mở.
Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chưa thực sự hấp dẫn. Điều đó giải thích vì sao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cả vốn đầu tư trong nước vào nông nghiệp tăng rất chậm. Vì vậy, để tạo được sức lan tỏa từ những “con sếu đầu đàn”, không chỉ địa phương phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, mà Chính phủ cũng cần có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn.
Thứ nhất, phải có cơ chế ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, hạ tầng, tín dụng... Thậm chí, có thể ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trong một thời gian nhất định.
Thứ hai, phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Đầu tư về khoa học - công nghệ cho nông nghiệp hiện rất thấp (năm 2015 khoảng 0.3% GDP; năm 2020 ước đạt 0,5% GDP).
Thứ ba, cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, đồng thời có chính sách đi kèm để giải quyết lao động dư thừa.
Thứ tư, phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhãn mác sản phẩm phải ghi đầy đủ xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Một khi quy định về nhãn mác hàng hóa không còn nhập nhèm, sản phẩm công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp mới dám bỏ vốn đầu tư.
Về phần mình, các doanh nghiệp cũng phải thấy rằng, đầu tư vào nông nghiệp chính là đầu tư dựa vào lợi thế lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là lĩnh vực đầu tư bền vững nhất để có sự lựa chọn đúng đắn. Dĩ nhiên, để đầu tư vào lĩnh vực này, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, sản xuất theo chuỗi.
Với riêng người nông dân, rõ ràng, hình thức sản xuất cũ đã hết thời. Để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, không còn cách nào khác là phải liên kết thành hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp lớn. Khi đó, người nông dân mới có tiềm lực để ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làm ra mới có chỗ đứng trên thị trường. Từ thành công của doanh nghiệp lớn, người nông dân có thể mô phỏng, sao chép để có chi phí đầu tư rẻ hơn, tận dụng cơ hội thị trường do chuỗi cung ứng mới mang lại.
Bài học thành công của trồng hoa nhà kính ở Đà Lạt là một ví dụ điển hình của sự mô phỏng, lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp.
Một khi tư duy của người nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thay đổi, thì đầu tư vào lĩnh vực này sẽ khởi sắc. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp nước ngoài sẽ đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể xem sự xuất hiện manh nha làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam thời gian qua để tận dụng cơ hội mà TPP mang lại, là một thí dụ điển hình.
Theo Thùy Liên
baodautu.vn