JA slide show

Tin tức

Bơi trong hội nhập Nông nghiệp Việt Nam CẦN GÌ và SỢ GÌ

Điều quan trọng nhất đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập là mở cửa thị trường và giải quyết bài toán "được mùa, mất giá"...


Đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, hội nhập đã trở thành bước đi tất yếu. Bởi ngay sau khi chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp, kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, nông nghiệp đã là khu vực đi đầu trong hội nhập. Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xâm nhập thị trường thế giới, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn.

Mất cân đối trong chuỗi giá trị nông sản

Mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Đây là một điểm yếu, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tại thị trường trong nước, có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không
có nhãn hiệu. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém. Theo TS. Trần Tiến Khai - Trưởng Bộ môn Kinh tế nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa Kinh Tế Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng từ những năm 1990 gắn liền với sự gia tăng chuyển dịch vốn xuyên biên giới, cũng như sự gia tăng tỷ trọng thương mại trong GDP thế giới đã tác động đến cấu trúc sản xuất của ngành nông nghiệp.Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sự mất cân xứng thông tin trong toàn chuỗi giá trị nông sản Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt với các chuỗi giá trị nông sản dài. Người tiêu dùng không biết nguồn gốc sản phẩm, người sản xuất không biết rõ về người tiêu dùng, nhu cầu và mức sẵn lòng chi trả của họ. Đặc điểm của chuỗi giá trị nông sản Việt Nam là có sự liên kết giữa các tác nhân dưới hình thức sản xuất theo hợp đồng ngắn hạn hoặc trung hạn, với các mức độ ràng buộc chặt chẽ ít hay nhiều khác nhau; đặc biệt phổ biến với các sản phẩm có tính chuyên biệt như sữa, mía, chè, bông, lúa giống. Tuy vậy, hiện nay một số công ty lớn đã thiết lập các chuỗi nông sản từ nông trại tới bàn ăn như Vissan ( trứng và gia cầm), Metro Cash & Carry (cá), CP (thịt lợn, thịt gà, trứng), Vinamilk và Friesland Campina (sữa tươi), các mô hình cánh đồng mẫu lớn giữa Công ty CP BVTV An Giang và hộ nông dân (gạo chất lượng cao), mô hình giữa Công ty Gentraco và các nhà khoa học, nông dân (gạo thơm Sóc Trăng)…

Nông nghiệp Việt Nam “cần gì và sợ gì”?
Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế. Do vậy, nỗi lo của nông sản Việt Nam vẫn là “được mùa, mất giá”. Câu chuyện “giải cứu”dưa hấu Quảng Nam, thanh long Bình Thuận, khoai Vĩnh Long, chanh Đồng Tháp… vẫn là những nỗi ám ảnh đối với ngành nông nghiệp và người nông dân Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập. Trong chuỗi giá trị nông sản hiện đại, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn đóng vai trò dẫn dắt chuỗi. Các doanh nghiệp có vai trò tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường, giá trị gia tăng, từ đó làm gia tăng tỷ lệ đóng góp của sản phẩm chế biến từ nông sản và làm tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi giá trị nông sản. Tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, cũng như gia nhập các FTA, TPP..., nông nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Còn theo Ông Nguyễn Như Cường- Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),điều quan trọng nhất đối với ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là mở cửa thị trường và giải quyết bài toán "được mùa, mất giá". Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cũng như các chính sách kỹ thuật, kết hợp với Bộ Công thương giải quyết thị trường nội địa nhằm giải bài toán “được mùa rớt giá” cho nông sản.
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nỗi lo của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là nguy cơ bị suy giảm năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá tiền như gạo Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan; cà phê Brazil, Colombia; cao su Indonesia, Malaysia…Bên cạnh đó, suy giảm cầu thế giới đối với hàng nông lâm thủy sản do suy thoái kinh tế Trung Quốc và dư cung cũng sẽ là những mối đe dọa lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập đang đến gần.
Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP. Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm Làm sao để tăng sức trong cạnh tranh, chớp thời cơ mới khi cánh cửa TPP đang mở rộng, để ghi tên trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá tới 40 tỷ USD…



Nguyệt Quế

Theo Trí thức trẻ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Trang 163 trong tổng số 167 trang