"Từ nông trại đến bàn ăn" là công thức chung mà hầu hết các doanh nghiệp lớn lĩnh vực nông nghiệp đang theo đuổi, việc thiếu hay yếu ở bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi giá trị đều sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi, Proconco vốn dĩ đã là có thị phần đứng thứ 2 nhưng khi kết hợp với cả một công ty lớn khác ANCO để hình thành nên Masan Nutri-Science thì đây vẫn chỉ là công ty đứng thứ 2 sau C.P Vietnam.
Mặc dù được biết đến là công ty sản xuất thức ăn gia súc lớn nhất nhưng thực tế thú vị là mảng thức ăn (Feed) của C.P Vietnam đang dần trở nên “lép vế” so với mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm (Farm & Food).Về tổng thể, C.P Vietnam là một công ty phát triển theo chuỗi giá trị 3F (Feed-Farm-Food), vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa trực tiếp nuôi (lợn, gà, thủy sản…) vừa kinh doanh thịt, trứng,chế biến thủy sản cùng các thực phẩm chế biến như xúc xích.
Năm 2014, trong số hơn 2 tỷ USD doanh thu của C.P thì thức ăn chăn nuôi chỉ đóng góp gần 900 triệu USD trong khi doanh thu của chăn nuôi và thực phẩm lên đến 1,2 tỷ USD.Chuỗi giá trị 3F còn được hình tượng hóa thành “từ nông trại đến bàn ăn”. Đây là công thức chung mà hầu hết các doanh nghiệp lớn lĩnh vực nông nghiệp đang theo đuổi, từ Proconco, GreenFeed, Dabaco hay các doanh nghiệp thủy sản lớn như Hùng Vương, Minh Phú.
Trong khi thị trường thức ăn cơ bản đã được xác lập thị phần giữa các doanh nghiệp lớn thì thị trường chăn nuôi vẫn rất phân mảnh. Số liệu do Masan trích dẫn cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi hiện có trị giá 6 tỷ USD nhưng thị trường chăn nuôi lớn gấp 3, đạt 18 tỷ USD. Nếu không khẳng định được vị trí trên thị trường chăn nuôi, các công ty thức ăn về lâu dài sẽ mất vị thế khi mà tất cả đều chạy đua hoàn thiện chuỗi giá trị.Do chủ động được cả về con giống, nuôi trồng đến thức ăn, chế biến đến dịch vụ kho vận nên ba công ty dẫn đầu là Minh Phú, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn đã chiếm đến hơn 2/3 tổng lợi nhuận của ngành thủy sản.
Từ nông trại tới bàn ăn cũng không phải là công thức riêng của các doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi, chế biến đạm động vật (thịt, cá). Ngay từ khi chuyển đổi từ một công ty dịch vụ vệ sinh công nghiệp sang một công ty chuyên về nông nghiệp – thực phẩm nhờ một loạt thương vụ M&A, Pan Group cũng hướng ngay đến hoàn thiện cả chuỗi giá trị. Ở khâu “nông trại”, PAN hiện sở hữu 2 công ty lớn nhất trong lĩnh vực lúa giống, ngô giống. Trong khi đó, “bàn ăn” của PAN có gạo, thủy sản, bánh kẹo, hạt điều…
Với các công ty sữa như Vinamilk, Nutifood hay TH, vị thế trên thị trường giờ đây không chỉ nằm ở việc “bán sữa” mà còn ở việc chăn nuôi bò sữa.
Rõ ràng đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung, việc thiếu hay yếu ở bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi 3F đều sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh. Đây là điều dễ nhận thấy nhưng hoàn thiện chuỗi giá trị không phải là điều đơn giản với bất kỳ doanh nghiệp nào. Để giải bài toán này cần rất nhiều nguồn lực về kinh nghiệm, vốn, đất đai, xây dựng hệ thống phân phối.
Đan Nguyên
Theo Trí thức trẻ