JA slide show

Bàn tròn CEO: "Chúng tôi chưa được bình đẳng vì người tiêu dùng vẫn mang tư tưởng sính ngoại"

 

 

Ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH cho rằng, về tổng thể TPP đem lại lợi ích cho Việt Nam nhiều nhất so với các nước. Nhưng với ngành nông nghiệp thì ngược lại khi đây là ngành chịu thiệt thòi nhiều nhất, có nhiều khó khăn hơn thuận lợi.

Tại Diễn đàn kinh doanh chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP do Kênh Thông tin Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21/11/2015 tại Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành bao gồm Thủy sản Hùng Vương (HVG), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Tập đoàn TH, Công ty Phúc Sinh đã có phần thảo luận cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp tham dự sự kiện.
Tham gia bàn tròn có Ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG) và Tổng giám đốc công ty Phúc sinh ông Phan Minh Thông.
Chủ đề chính của Tọa đàm là doanh nghiệp đã làm gì để gia nhập TPP.

Các ông đánh giá thế nào về TPP cũng như tác động đến doanh nghiệp? Doanh nghiệp chuẩn bị gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian sắp tới?

Ông Phan Minh Thông – TGĐ CTCP Phúc Sinh: TPP là một vấn đề hết sức to lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam. Trước TPP, chúng ta có hiệp định trong khối Asean. Tôi nhớ vào thời điểm thành lập công ty 14 năm về trước, Việt Nam có khoảng 20 văn phòng đại diện nước ngoài bao gồm Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức… giờ chỉ còn 2 văn phòng đại diện và hoạt động không khỏe mạnh.
Với TPP, với sự chuẩn bị của chúng tôi từ 7 năm về trước, với sự chuyển đổi nhiều trong hoạt động của công ty chúng tôi, tôi cho rằng đây là cơ hội lớn cho Phúc Sinh nói riêng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt nói chung.

 

Ông Dương Ngọc Minh – TGĐ CTCP Hùng Vương: Tôi cho rằng Việt Nam đang đi vào bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ để sang sản xuất lớn, nhất là Chính phủ đã mở cửa hội nhập với TPP, các hiệp định thương mại tự do với liên minh Châu Âu (EU), liên minh thuế quan với Đông Âu, và hội nhập ASEAN.

Đứng về góc độ cho rằng với TPP, ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại, tôi cho rằng không hẳn. Ngành chăn nuôi cơ địa còn phát triển trong 10 năm nữa. Trong năm 2015, riêng các tập đoàn nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cụ thể cho lợn. Việt Nam là nước có tổng đàn heo lớn thứ 4 trên thế giới. Trong tương lai tôi nghĩ sẽ là thứ 3. Nhưng lĩnh vực này, doanh nghiệp chúng ta chưa tham gia.
Tại sao giá thành sản phẩm chăn nuôi của chúng ta cao? Vì lĩnh vực thức ăn chăn nuôi do các doanh nghiệp nước ngoài điều tiết. Lợi nhuận về mảng thức ăn chăn nuôi, đặc biệt thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm CỰC KỲ LỚN. Kể cả Vinamilk, lợi nhuận cũng không bằng.

 

Ông Dương Ngọc Minh – TGĐ CTCP Hùng Vương: "Tôi cho rằng Việt Nam đang đi vào bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ để sang sản xuất lớn"

Đến từ lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH sở hữu thương hiệu sữa TH True Milk cho rằng về tổng thể TPP đem lại lợi ích cho Việt Nam nhiều nhất so với các nước. Nhưng với ngành nông nghiệp thì ngược lại khi đây là ngành chịu thiệt thòi nhiều nhất, có nhiều khó khăn hơn thuận lợi.
Do đó, nếu thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm có lợi thế thương mại tràn vào Việt Nam, thì ngành bò sữa phải đổi mặt với 3 cường quốc Mỹ, Australia và Newzealand. Bởi theo ông Hải, sản phẩm nước ngoài là sản phẩm có thương hiệu, tuân thủ quy chuẩn cao trong khi Việt Nam còn non trẻ và điều kiện quy chuẩn còn mù mờ và chưa minh bạch. Do đó, ông Hải cho rằng cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý và minh bạch thị trường, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển.

 

 

Ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH sở hữu thương hiệu sữa TH True Milk cho rằng về tổng thể TPP đem lại lợi ích cho Việt Nam nhiều nhất so với các nước. Nhưng với ngành nông nghiệp thì ngược lại

Trong khi đó, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc của Hoàng Anh Gia Lai thì cho rằng với thực tiễn đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong khi Australia và New Zealand có trang trại hàng nghìn và hàng chục ha nên giá thành rẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu nhiều chi phí chăn nuôi cao hơn, chi phí vận chuyển gồm cả chi phí chính thức và không chính thức, chi phí vốn. Do đó, ông Sơn cho biết Hoàng Anh Gia Lai đã phải chọn con đường phù hợp là đầu tư sang Lào và Campuchia để có diện tích đất đủ rộng, triển khai cơ giới hóa và tự động hóa; tạo liên kết chuỗi.
Theo đó, ông Sơn cũng kiến nghị có chính sách vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm và có kênh thông tin cho doanh nghiệp.

 

 

Hoàng Anh Gia Lai đã phải chọn con đường phù hợp là đầu tư sang Lào và Campuchia để có diện tích đất đủ rộng, triển khai cơ giới hóa và tự động hóa; tạo liên kết chuỗi.

Ông Trương Đình Tuyển - cố vấn cao cấp đàm phán thương mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam đặt câu hỏi cho ngành sữa: TPP khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay hàng rào thuế với sữa, và ngay lập tức thuế hầu hết các mặt hàng sữa sẽ về 0. Sữa Hà Lan, Úc, New Zealand sẽ tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh nuôi bò sữa đã tính đến những yếu tố cần thiết để có thể cạnh tranh được không?

 Ông Hải – Phó TGĐ TH True Milk thừa nhận đây là câu hỏi khó cho các doanh nghiệp chuyên ngành bò sữa.
Chúng tôi biết rằng TPP không thể phòng ngừa, chỉ có thể bằng cách nào đó vượt qua bằng chính nội lực và niềm tin của mình. Tuy nhiên, các cường quốc mạnh về bò sữa lại yếu 1 điểm sau: VẬN CHUYỂN.
Vận chuyển là bài toán khó với họ. Nếu vận chuyển sữa bột họ còn có khả năng, nhưng vận chuyển sữa tươi từ Úc, Mỹ, New Zealand sang Việt Nam bán là cả vấn đề lớn.
Chúng tôi tin rằng doanh nghiệp vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường. Nhưng để làm được việc này, chúng ta cần xây dựng một thương hiệu đủ mạnh, một thương hiệu được tạo dựng bằng chính niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng không thua các sản phẩm từ nước ngoài.

Một vấn đề nữa, rất mong người tiêu dùng đứng về phía những doanh nghiệp, sản phẩm trong nước – những doanh nghiệp có sản phẩm đạt chất lượng không thua nước ngoài. Chúng tôi vẫn chưa có được sự bình đẳng vì người tiêu dùng vẫn mang tư tưởng sính ngoại.
Tôi chỉ đề nghị người tiêu dùng làm sao kìm hãm bớt tư tưởng sính ngoại để quay về với các sản phẩm Việt Nam. Mong rằng một ngày nào đó, người tiêu dùng xem sản phẩm Việt Nam giống như người Việt Nam hâm mộ đội tuyển quốc gia trên sân Mỹ Đình trong các trận đấu quốc tế.
Chúng tôi đang trong trận đấu quốc tế và mong người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm thuần Việt Nam.

Đại diện Công ty CP Vinamilk: Chi phí cao hay không tùy thuộc vào mô hình ứng dụng của doanh nghiệp. Trong thời gian sắp tới Vinamilk sẽ nhập khoảng 400 con bò sữa về Việt Nam và ứng dụng công nghệ để có năng suất cao hơn. Hiện trang trại của Vinamilk và TH đều có năng suất 38 – 40 lít/ngày, hoặc trang trại đầu tư bài bản cũng là 25 – 26 lít, cho nên người nông dân cần được hướng dẫn, có điều kiện tốt, có kiến thức khoa học tốt thì sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tôi đang có dự án đầu tư vào chăn nuôi và sản xuất thịt, ông Sơn (Hoàng Anh Gia Lai) có thể chia sẻ về kế hoạch chuyển giao con giống và nuôi bò sắp tới và chia sẻ kinh nghiệm?

Ông Võ Trường Sơn – Tổng Giám đốc của Hoàng Anh Gia Lai: Trong tuần tới chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch này, tức là chuyển giao con giống cho người nông dân và nuôi bò. Theo đó, trên cơ sở đánh giá hai địa bàn ở Gia Lai, sẽ tính toán việc hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và hộ nông dân nhỏ để thực hiện.
Đối với mô hình liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân nhỏ, tôi cho rằng cần liên kết tạo chuỗi giá trị để khắc phục những vấn đề phát sinh. Khi có liên kết, sẽ tạo nguồn lực và cơ sở chung của hai bên để cùng phối hợp, nâng cao chuỗi giá trị. Đặc biệt khi hệ thống siêu thị và kênh phân phối được nắm giữ bởi tập đoàn lớn, thì những người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn.

 Thưa ông Phan Minh Thông, theo ông thị trường xuất khẩu hay nội địa là quan trọng?

 Ông Phan Minh Thông: Đối với xuất khẩu, tôi cho rằng nếu không làm xuất khẩu thì làm sao đẩy được lượng hàng lớn ra thị trường thế giới khi mà nội địa chưa sẵn sàng, song vẫn phải đầu tư vào nội địa. Năm 2007 khi chúng tôi làm và đến nay Phúc Sinh đã là 1 trong những nhà buôn tiêu hàng đầu thế giới, hàng chúng tôi chuyển từ Indonesia, Brazin, Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới.
Người ta đặt câu hỏi tại sao chúng ta làm ra mà không bán ra thế giới, chúng ta cung cấp 50% tiêu cho thế giới mà ta không làm trung tâm? Với kinh nghiệm của chúng tôi, để đối mặt với TPP chúng tôi chuẩn bị cách đây 7 năm rồi. Song cũng cần phải thấy rằng thị trường trong nước là thị trường màu mỡ, hàng loạt DN FDI đầu tư vào nước ngoài như vậy thì tại sao ta không làm?
Ông Nguyễn Ngọc Cung – Cần Thơ: TPP đặt ra rất nhiều vấn đề, nhưng chúng ta có một yếu tố có thể mạnh: Tính liên kết. Các doanh nghiệp ngồi đây ở tầm cỡ lớn, nếu có thể cũng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ - những doanh nghiệp hoàn toàn có điều kiện làm tương tự các doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ… Thay vì mua các nước khác, với các mặt hàng gạo, tiêu, café, chúng tôi cũng có những doanh nghiệp nhỏ có mặt hàng tương tự mà khả năng chưa đi xa được. Rất mong có thể kết nối với các doanh nghiệp lớn để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm Việt.

Hình ảnh buổi giao lưu bàn tròn:

 

Thanh Thủy-Hằng Nguyễn

 

Theo Trí thức trẻ.