Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt khiến cho giá trị sản xuất của lĩnh vực này giảm 1,3% so với năm trước.
Thông tin được đưa ra tại Họp giao ban trực tuyến của Chính phủ sáng ngày 26/3 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tốc độ tăng GDP quý I/2016 ước đạt 5,46% chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, trong khi lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm.
Việc tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước đã giúp cho khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,72%; khu vực dịch vụ ước tăng 6,13%.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khô hạn và xâm ngập mặn
Tuy nhiên lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết, diễn biến khắc nghiệt. Đó là tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và thiếu nước ngọt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Dẫn tới, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2016 ước giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lĩnh vực lâm nghiệp tăng 6,3% và thủy sản tăng 2,3% song do nông nghiệp giảm mạnh với 2,5% nên tính chung lĩnh vực này bị giảm xuống.
Mặc dù vậy, nhiều hoạt động kinh tế cũng đạt được kết quả tích cực hơn theo thông tin được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2016 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố giá tăng 7,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam cũng có mức tăng trưởng trở lại đáng khích lệ, khi đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bất lợi của thời tiết, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Song Bộ trưởng Vinh cho biết trong quý I/2016 tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Nền kinh tế duy trì được mức xuất siêu quay trở lại với 776 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư phát triển quý I cũng đạt khoảng 273,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hoạt động phát triển doanh nghiệp cũng có bước tiến khi số DN thành lập mới tăng mạnh.
GDP có thể chỉ đạo 5,45% nếu diễn biến xấu
Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Nhiều chỉ số của nền kinh tế đạt được kết quả tích cực như xuất khẩu, tổng đầu tư, hoạt động phát triển DN…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với Quý I/2016
“Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% do thiên tai, rét hại, băn giá, hạn hán, xâm nhập mặn. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu nên đã tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước” – Bộ trưởng chỉ rõ.
Do đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng GDP cả năm chỉ đạt 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.
Cẩm An
Theo Trí thức trẻ