JA slide show

Bớt trồng lúa để thúc đẩy nông nghiệp Việt phát triển?

Cần thiết bớt trồng lúa, tăng cây trồng đem lại giá trị gia tăng và mở rộng chăn nuôi để có thể phát triển theo xu thế chung của thế giới.


Trong Báo cáo Việt Nam 2035 mới được Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam công bố có đề cập đến việc nước ta cần thiết bớt trồng lúa, tăng cây trồng đem lại giá trị gia tăng và mở rộng chăn nuôi để có thể phát triển theo xu thế chung của thế giới.
Cụ thể, Báo cáo này cho rằng, hiện nay và trong tương lai, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng có lợi thế so sánh của Việt Nam, cần được khai thác hết tiềm năng để phục vụ quá trình hiện đại hóa nền kinh tế.
Sản xuất lúa gạo chiếm vai trò quá lớn
Các chuyên gia thực hiện Báo cáo này phân tích: Mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững cần được giải quyết ngay về mặt chính sách.
Điều đáng lưu tâm ở đây là sản xuất lúa gạo chiếm vai trò quá lớn, sử dụng quá nhiều đất đai màu mỡ và năng lực thủy lợi. Lợi nhuận thấp của hộ nông dân nhỏ lẻ, tình trạng thiếu việc làm của lao động nông nghiệp, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, giá trị gia tăng thấp, giá nông sản thấp trên thị trường quốc tế, thiếu kết nối đa thức từ nông trại đến thị trường, yếu kém về kho bãi và hậu cần bảo quản lạnh, hạn chế trong đổi mới thể chế và công nghệ đều là những thách thức của kinh tế nông nghiệp.
Trong bối cảnh mới, các chuyên gia đánh giá ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước bước ngoặt. Nhiều cơ hội lớn đang mở ra trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, nhưng ngành nông nghiệp sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Ngành nông nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trong nước ngày càng tăng với các đô thị, các ngành công nghiệp và dịch vụ về lao động, đất đai và nguồn nước. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào nâng cao hiệu quả và đổi mới sáng tạo.
Cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, theo các chuyên gia là, cũng cần thay đổi. Bởi thực tế hiện nông dân Việt Nam còn sản xuất manh mún, liên kết giữa nông dân và liên kết theo chiều dọc còn yếu. Những vấn đề đó gây ra những chi phí giao dịch không cần thiết, không phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời thiếu khuyến khích sản xuất nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cao.
Đặc biệt, Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cũng cần thay đổi mô hình “quản lý nhà nước”, tức là cách thức nhà nước cung cấp dịch vụ kỹ thuật và điều tiết, chi tiêu công và đầu tư công trong nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến khích đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp. Nền nông nghiệp dựa trên nhu cầu cần sự linh hoạt chứ không thể dựa vào kế hoạch hóa tập trung như xu hướng hiện nay.
Cần chuyển đổi theo hai hướng
Để có thể phát triển theo xu thế chung của thế giới, nghiên cứu này đề xuất rằng, nông nghiệp Việt Nam cần được chuyển đổi theo hai hướng.

Một là, hiện đại hóa phương thức sản xuất, thay đổi cách thức sử dụng đất (bớt trồng lúa, tăng cây trồng đem lại giá trị gia tăng và mở rộng chăn nuôi) và tăng liên kết cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Hai là, hiện đại hóa hệ thống sản phẩm nông nghiệp, bao gồm chế biến nông sản hàng hóa (cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản) để tạo ra thực phẩm có giá trị gia tăng cao (thay đổi trong lĩnh vực này thường bao hàm tăng tỷ trọng phân phối thực phẩm qua các siêu thị hiện đại và các cơ sở ăn uống bên ngoài gia đình, tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến/tiện ích có thương hiệu, quá trình hợp nhất các chức năng buôn bán trung gian và thu gom nông nghiệp, sự phổ biến của các phương pháp kho vận và chuỗi kho đông lạnh, áp dụng các chuẩn mực ngày càng chặt chẽ và phương pháp tiên tiến để truy nguồn sản phẩm và quản lý chất lượng.).
Nhìn vào thực tế nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, dấu hiệu của những chuyển đổi nói trên đã xuất hiện ở một số nơi hoặc một số tuyến trong các tổ hợp sản xuất nông sản. Song những quá trình đó có thực sự hiệu quả hay không, mức độ đột phá đến đâu, đường đi sẽ bằng phẳng hay gập ghềnh, người nông dân có được hưởng lợi hay không, còn tùy thuộc nhiều vào chính sách công.
Dẫn ví dụ là Chính phủ có thể tạo điều kiện để thị trường đất nông nghiệp phát triển năng động hơn, hỗ trợ người nông dân phá thế độc canh cây lúa để chuyển sang canh tác đa dạng, bao gồm chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản hoặc các hình thức canh tác khác.
Nhưng để phát huy hiệu quả chính sách này, các chuyên gia đề nghị cần có các quy định, các biện pháp khuyến khích và các loại hình dịch vụ hỗ trợ - kết hợp với nhau một cách hiệu quả - nhằm thúc đẩy và vận hành quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, áp dụng hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người dân.
Chẳng hạn, những chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát được sự vận chuyển và trạng thái của các sản phẩm dễ hư hỏng - như thủy sản đông lạnh từ đồng bằng sông Cửu Long tới thị trường tiêu thụ ở Bắc Mỹ và Tây Âu, sẽ giúp tăng cường cạnh tranh thương mại và an toàn thực phẩm.
Mấu chốt: Môi trường đầu tư kinh doanh nông nghiệp thuận lợi
Để quản lý tốt hơn những rủi ro trong nông nghiệp, Báo cáo này cho rằng, nó đòi hỏi phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao về thông tin, về các công cụ kĩ thuật và tài chính. Chính phủ cần tạo điều kiện để phát triển những loại hình dịch vụ này. Chẳng hạn, cải thiện dịch vụ giáo dục và dạy nghề giúp rút ngắn thời gian áp dụng công nghệ mới về canh tác và chế biến sau thu hoạch. Tạo lập và duy trì môi trường đầu tư và kinh doanh nông nghiệp thuận lợi giữ vai trò mấu chốt để nâng cao giá trị gia tăng cho nông phẩm Việt Nam, tạo nên những thương hiệu mới có uy tín về chất lượng và tính bền vững. Điều này thì trên thế giới có nhiều kinh nghiệm và thông lệ tốt để Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng.
Thực tế hiện nay, theo quan sát của nhóm nghiên cứu, Nhà nước giữ vai trò chính, thậm chí là chủ đạo trên một số lĩnh vực, trong phát triển nông nghiệp. Một số chức năng - như quy hoạch sử dụng đất, quản lý nông trường, thương mại hàng hóa, cung ứng công nghệ - sẽ giảm dần tầm quan trọng, thậm chí còn có hại khi nông nghiệp phát triển theo hướng linh hoạt, dựa vào thị trường và tri thức nhiều hơn.
Nhà nước có thể giảm đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp nếu khuyến khích tư nhân phát triển các dịch vụ nông nghiệp và tạo thuận lợi để tư nhân đầu tư, kể cả dưới hình thức hợp tác công-tư, qua đó giải phóng được nguồn lực để tập trung thực thi tốt các quy định về môi trường, vệ sinh dịch tễ, thú y và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, dù cách nào thì “Nhà nước vẫn cần tiếp tục giữ vai trò trong hỗ trợ các tổ chức của nông dân, duy tu bảo dưỡng hạ tầng nông thôn và nhiều nhiệm vụ khác có ảnh hưởng đến chi phí giao dịch, và trong phối hợp hành động”- báo cáo nhấn mạnh./.

Theo Xuân Thân
VOV