Tại Hà Nội, trên giá hàng thịt xuất hiện ồ ạt các loại thịt ngoại, từ trâu Ấn Độ, bò Australia, gà Mỹ, gà Hàn.
Nhiều bà nội trợ thẳng thắn nói rằng, thịt ngoại tại các siêu thị có hạn sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ nên dùng tin tưởng hơn thịt bán tại các chợ, giá lại rẻ hơn với giá trong nước. Tuy thịt ngoại đã lấn sân và chèn ép thịt nội là điều đã rõ ràng, tuy nhiên đến nay ngành chăn nuôi vẫn chưa có kịch bản ứng phó rõ ràng...
Từ ngõ tới siêu thị
Tại siêu thị Big C, gian hàng thịt, các loại thịt bò và gà dường đang lép vế trước thịt ngoại. Trong khi thịt gà ta được để lẫn vào khay thịt gà Mỹ và bò Australia được gắn tên bảng riêng. Tại hai gian hàng này cũng thu hút được nhiều khách. Nhìn vào tấm biển “Đùi gà góc tư” niêm yết 35.500 đồng/kg, chị Loan xuýt xoa nói rằng: “Sao mà rẻ vậy được. Còn rẻ hơn cả gà đã luộc bán tại chợ”. Còn tại gian hàng bò Mỹ đông lạnh 500gram có giá 126.000 đồng/gói, giá rẻ hơn 10% so với thịt bò nội niêm yết trên bảng giá.
Không chỉ tại các siêu thị lớn, ngay tại cửa hàng tiện ích nằm trong ngõ 173 đường Xuân Thủy, cũng xuất hiện các mặt hàng thịt ngoại như đùi gà Mỹ, đùi gà Hàn hay trâu Ấn Độ. Chị Lan, chủ cửa hàng cho hay, trước đây chỉ nhập các mặt hàng rau củ sạch đóng gói nhưng từ khoảng giữa năm ngoái, các nhà nhập khẩu tới giới thiệu, thấy giá bằng ở chợ nên chị nhập vào. “Sau đó 3 tháng, giá lại giảm xuống còn hơn ở chợ nên tôi nhập về ngày càng nhiều. Giờ gian hàng thịt chủ yếu thịt ngoại, có gà Hàn và Mỹ, bò Australia, trâu Ấn Độ đâu khác gì các siêu thị”, chị Lan nói.
Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2015, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25-30% so với ở Việt Nam. Thịt bò Australia - loại nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ, sau khi trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch là khoảng 170.000-180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò nuôi tại Việt Nam giá trên dưới 200.000 đồng/kg.
Áp lực ngày càng tăng
Theo thống kê từ Bộ NNPTNT, năm 2015, sản lượng thịt lợn nhập khẩu đạt 4.000 tấn có tăng chút ít so với 2014, trong khi thịt gà vẫn duy trì khoảng 80.000 - 90.000 tấn. Riêng thịt bò nhập từ Australia và các nước lân cận lại có sự gia tăng đột biến. Cả năm 2015, Việt Nam nhập khoảng hơn 200.000 con bò Australia, chưa kể hàng trăm ngàn con trâu bò từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar hay Thái Lan.
Tuy lượng lớn thịt ngoại ùn ùn đổ vào Việt Nam trong năm 2015 tuy nhiên áp lực thịt nhập khẩu trong năm 2016 còn lớn hơn do hàng loạt các hiệp định FTA với Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, AEC có hiệu lực, hay TPP vừa chính thức ký kết cũng mở ra cơ hội thịt ngoại tràn vào. Thuế suất nhập khẩu thịt từ khu vực Asean đã chính thức về 0% và thịt lợn, gà, trứng gia cầm từ các nước này có triển vọng đổ về Việt Nam vì giá thành chăn nuôi vẫn thấp hơn chúng ta ít nhất 10 - 15%.
Tuy áp lực thịt ngoại đã rõ ràng, nhưng đáng nói là hiện tại ngành chăn nuôi vẫn chưa có kịch bản đối phó nào rõ ràng. Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, từng kêu rằng việc phải chi ra tới hơn 400 triệu USD nhập khẩu thịt để sử dụng đối với một quốc gia nông nghiệp có lợi thế chăn nuôi như Việt Nam là một điều hết sức lãng phí. Còn ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam phải phát triển mạnh các trang trại lớn để có lợi thế nhờ quy mô, áp dụng công nghệ và cách thức quản lý hiện đại. “Điều này sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, giúp hàng nội đứng vững trước làn sóng nhập khẩu thịt ngoại”, ông Lịch nhận xét. Tuy nhiên, ý kiến này đã đưa ra hàng chục năm trước, và thực tế đến nay ngành chăn nuôi chủ yếu vẫn phát triển manh mún, loay hoay tìm đầu ra.
Lao động