JA slide show

“Một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ”

"Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần một động cơ mới để cải cách" - TS. Võ Trí Thành nhận định.
Tại Diễn đàn Chính sách thương mại: Cơ hội và thách thức của TPP và Hiệp định FTA Việt Nam – EU đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, sau 30 năm đổi mới và hội nhập, từ một nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước công nghiệp hóa với một nền kinh tế rất mở.
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp. Khu vực DNNN và đầu tư công không hiệu quả, chi phí kinh doanh cao, hiệu ứng lan tỏa từ FDI còn hạn chế, vị thế kém trong chuỗi giá trị toàn cầu, chênh lệch giàu nghèo còn lớn...
Đánh giá về tiến trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chuyên gia kinh tế cho rằng, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đạt mức tăng trưởng cao, bền vững vẫn là những thách thức lớn đối với nền kinh tế Viêt Nam.
Theo ông Thành, đến nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết rất rộng, trong đó lớn nhất phải kể đến TPP và FTA Việt Nam – EU.
Các FTA sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường cho DN Việt Nam; mở rộng đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI; tạo điều kiện để cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
“Đây là một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ. Thời gian không phải có quá nhiều. Trong 5-7 năm tới, Thái Lan, Indonesia có thể tham gia TPP. Thêm vào đó, nếu EU quay lại ký kết FTA với các nước ASEAN thì cơ hội cho Việt Nam sẽ không còn lớn như bây giờ” – TS.Võ Trí Thành chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng, với TPP, đằng sau cơ hội là những thách thức không hề nhỏ mà Việt Nam cần phải vượt qua. Bên cạnh đó, không chỉ vượt qua khía cạnh thách thức hội nhập mà còn thách thức từ nhiều yếu tố khác.
“Nên hiểu TPP thế nào? Theo tôi, cách hiểu đơn giản nhất, TPP chính là 11 nước đối tác, trong đó không ít đối tác là đối tác chiến lược toàn điện của Việt Nam. Đối tác chiến lược toàn diện là hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, gắn với nó là nhiều quan hệ như an ninh, quốc phòng, ngoại giao” – ông Thành nói.
Theo ông Thành, TPP là một trong 15 hiệp định mà Việt Nam đã tham gia và là một thị trường vô cùng lớn với sức tiêu thụ dồi dào. Do đó, chúng ta cần phải hiểu được luật chơi và nắm được chiến lược của những người chơi khác trên sân chơi này.
TPP mang đến cơ hội mở cửa thị trường, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được tự do di chuyển, không còn phải tuân theo các hàng rào. Đây là hiệp định thoáng nhất với số dòng thuế về 0 lên tới 99%. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ tài chính không cần hiện diện thương mại vẫn có thể tự do kinh doanh.
Ngoài ra, TPP đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đảm bảo hàng hóa dịch vụ đầu tư có chất lượng hơn; góp phần giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và xóa bỏ độc quyền đối với DNNN.
Ông Thành cho rằng, đây là cơ hội quý báu để Việt Nam học hỏi các nước đối tác về công nghệ, thị trường, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TPP sẽ tạo cơ hội bùng nổ của những ngành có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, thủy sản... Hiện nay kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt trên 27 tỷ USD và dự kiến trong 5 năm tới có thể đạt tới 45 tỷ USD.
“Trong lĩnh vực đầu tư, rất nhiều cơ hội mới cũng sẽ mở ra. Người dân có tiền không cần phải nghĩ đến vàng hay đô la mà có thể đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Thành, khi thương mại và đầu tư dịch chuyển sẽ tạo điều kiện cho logistics phát triển. Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam tạo điều kiện cho DN Việt kết nối với họ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.
“Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần một động cơ mới để cải cách. Vấn đề ở đây là cần xác định tiềm năng của con người, thực hiện cải cách thể chế và thúc đẩy sáng tạo. Đồng thời, tận dụng lợi thế, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào một thế giới, khu vực đang thay đổi liên tục” – ông Thành kết luận.

Nguyệt Quế
Theo Trí thức trẻ