Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tổn thương nhất, nhưng một tín hiệu đáng mừng cho ngành này khi ngày càng nhiều “ông lớn” cũng “xắn quần” trồng rau, nuôi bò.
Đại gia bất động sản, thép cũng làm… nông nghiệp
So với những ngành khác, nông nghiệp kém thu hút đầu tư hơn vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao và thu hồi vốn chậm. Thế nhưng, năm 2015, hàng loạt “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, thép, chứng khoán…ồ ạt bắt tay vào làm nông nghiệp. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco vào tháng 3/2015. Tập đoàn Vingroup cho biết, bên cạnh mục tiêu kinh doanh, VinEco hi vọng góp phần tạo ra cuộc cách mạng trong cách làm nông nghiệp tại Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp, người nông dân và toàn xã hội cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch.
Công ty VinEco có số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Mỗi ngày, VinEco cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn rau. Hiện tại, VinEco đã khởi công nhà kính tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tiếp đến là nhà kính tại Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai).
Một “ông lớn” khác không thể không nhắc đến là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của ông chủ Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Năm 2008, vị doanh nhân này đã có một quyết định táo bạo khi chuyển từ bất động sản sang làm nông nghiệp. Báo cáo tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Tính chung mảng nông nghiệp bao gồm mía đường, ngô (bắp) và cao su, tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu lên tới 48%. Từ trồng cao su, mía đường, cọ dầu, bắp… năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai lại bắt tay vào kế hoạch phát triển đàn bò.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, tổng đàn bò của Hoàng Anh Gia Lai đến nay đạt khoảng 120.000 con và doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng gấp đôi trong năm 2016.
Để phục vụ hoạt động kinh doanh thịt bò, lãnh đạo doanh nghiệp đã có quỹ đất lớn tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện doanh nghiệp của “bầu” Đức xuất chuồng mỗi ngày 300 con bò.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận con số 1.475 tỷ đồng lãi ròng. Ông Đoàn Nguyên Đức nhận định, ngành chăn nuôi bò đang đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
Cùng tiến quân vào nông nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vốn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị nội thất, thép, bất động sản. Vào tháng 2/2015, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, vốn điều lệ dự kiến 300 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, Hòa Phát đang triển khai xây dựng Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên và Đồng Nai, với tổng công suất hai nhà máy 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Các nhà máy hiện đang được triển khai đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành vào đầu quý I/2016.
Tập đoàn Hòa Phát đặt tham vọng trong 10 năm tới sẽ đạt được 10% thị phần, đứng trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất tại Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của thức ăn chăn nuôi sẽ tương đương với thép hiện nay.
Ngoài ra, Tập đoàn Him Lam với 20 năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng quyết định chuyển hướng đầu tư trồng cây mắc ca. Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lien VietPost Bank) đã xây dựng đề án đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, tổng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu hướng tiến vào nông nghiệp, đầu tháng 8 vừa qua, hai công ty là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội của ông Đỗ Quang Hiển đã đăng lý mua 35% và 15% số cổ phần đang lưu hành của Tổng công ty Rau quả Nông sản (Vegetexco).
Cơ hội mới cho ngành nông nghiệp
Với xu hướng hàng loạt “ông lớn” nhảy vào đầu tư nông nghiệp, có thể thấy lĩnh vực này đang có sức hút đặc biệt. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây là tín hiệu rất tốt vì lâu nay, cả thu hút nước ngoài và trong nước vào nông nghiệp rất hạn chế.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), vốn dĩ nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế nhất của Việt Nam, đây là ngành duy nhất xuất siêu và có thể cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chưa đủ sức tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đây cũng là lý do khiến số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Ông Tuấn cho rằng, các “đại gia” trong nước và quốc tế chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn thật ra không phải là một hiện tượng mới hoặc lạ. “Ở góc độ kinh tế học, khi thấy có lợi, ắt người đầu tư sẽ tìm cách nhảy vào cuộc chơi. Việt Nam đang hội tụ cả hai yếu tố lợi ích và thời cơ ở ngành nông nghiệp trong mắt các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được 3 nút tắc nghẽn của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đó là: thị trường, vốn và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nền nông nghiệpphải thay đổi cơ bản. Bà mong rằng xu hướng các ông lớn đầu tư vào nông nghiệp là cú hích để lôi kéo được các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia. Để làm được điều này, Chính phủ phải tạo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện về vốn, đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư.
Khẳng định xu hướng doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp là một tín hiệu tốt, song ông Tuấn cho rằng, điều quan trọng là phải tìm được mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển này.
Theo Diệu Thùy
Infonet