(Chinhphu.vn) – Như tin đã đưa, ngày 29/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được sự ổn định, lạm phát được điều hành theo mục tiêu; tổng dư nợ tín dụng tăng lên; xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ và có xuất siêu; các ngành kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, sản xuất ở các khu vực kinh tế đều tốt, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp tuy bị ảnh hưởng bởi thiên tai song vẫn giữ được sự ổn định và phát triển; khu vực dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc; công tác phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trong 2 tháng đầu năm được triển khai toàn diện, hiệu quả.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn mà các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm, chú ý xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức; thương mại toàn cầu dự báo sẽ giảm dẫn đến tình trạng cạnh tranh sẽ rất quyết liệt về đầu tư và xuất khẩu; cùng với đó, giá dầu thô xuống thấp và diễn biến hết sức phức tạp và khó lường…
“Chúng ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi tác động nhất thời của khu vực và thế giới đều tức thì tác động đến nước ta. Nếu thuận lợi thì sẽ tác động tích cực, nếu khó khăn sẽ tác động tiêu cực đến nước ta ngay. Chúng ta cần hết sức lưu ý theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời phân tích, phản ứng chính sách, đề ra các giải pháp hiệu quả để ứng phó, bảo đảm nhanh nhất, có lợi nhất. Phải luôn luôn cố gắng giành được thế chủ động, không được để bị động, bất ngờ; phải hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí là phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thành thuận lợi, hành động để phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Theo đó trước hết, nhiệm vụ cấp bách đầu tiên được Thủ tướng đề cập là phải dồn sức, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có tình trạng xâm ngập mặn, khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặt.
Thủ tướng yêu cầu đối với các vùng khô hạn, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành, địa phương hữu quan trước hết phải bảo đảm lo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân. Cùng với đó là làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn mặn, giữ nước ngọt; chỉ đạo thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng. Kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, công trình chống hạn; vận hành các hồ chứa, các công trình thủy điện, bảo đảm điều tiết nước hợp lý vừa bảo đảm phục vụ sản xuất, vừa bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hộ dân vùng trung du miền núi phía Bắc bị thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại gây ra vừa qua để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu đối với những mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia đối tác đã được ký kết trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng thu ngân sách; thắt chặt chi tiêu; triệt để thực hành tiết kiện, chống lãng phí; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách. Thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư trung hạn, trái phiếu Chính phủ… đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là công trình hạ tầng giao thông vận tải để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy phát triển y tế, văn hóa, giáo dục gắn liền với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Quyết liệt trong đổi mới giáo dục gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở người, không để dịch bệnh lớn xảy ra, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào công tác chăm sóc sức khỏe y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Không ngừng củng cố tiềm lực an ninh-quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông; chủ động cung cấp thông tin về mọi mặt về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan chuẩn bị tốt các báo cáo của Chính phủ để phục vụ cho kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XIII) diễn ra vào tháng 3 tới đây.
Về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương nhanh chóng triển khai và tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm.
Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016.
Các bộ, ngành, địa phương đã ra quyết định và thông báo giao kế hoạch vốn cho từng dự án cụ thể. Tính đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai phân giao Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Nguyễn Hoàng