JA slide show

Tin tức

Ông Trương Đình Tuyển: 'Thể chế ưu việt thì mới chạy nhanh hơn Trung Quốc'

Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cơ hội lớn với Việt Nam trong việc cải cách thể chế, đổi mới kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những nhận định nêu trên được ông Tuyển và nhiều chuyên gia đưa ra tại hội nghị về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 4-5/3. Tại diễn đàn, hiệp định được ký kết ngày 4/2 một lần nữa được nhận định là nơi Việt Nam - dù là nước có trình độ phát triển thấp nhất - vẫn được hưởng lợi lớn. Trong đó, cơ hội thoát khỏi lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc được đánh giá cao.

Chia sẻ với nhiều chuyên gia, ông Tuyển cho rằng TPP là cơ hội lớn với Việt Nam.
Là cá nhân đóng góp lớn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, nguyên Bộ trưởng Thương mại - Trương Đình Tuyển cho rằng việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được đầu tư của các đối tác lớn, có công nghệ nguồn. Nó cũng tạo khuôn khổ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...
"TPP sẽ tạo ra một cân bằng mới từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu thay vì xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Điều này quá tốt, giúp Việt Nam bớt phụ thuộc và dần thoát khỏi Trung Quốc", vị này nhận xét.
Ông Tuyển nhận định, việc tham gia TPP cũng là thực hiện chiến lược đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ ngoại giao, là cơ sở để Việt Nam mở rộng hợp tác ra toàn thế giới. Đây là bước đi có tính chiến lược, nhằm chủ động về kinh tế trước mọi biến động khó lường từ phía Trung Quốc.
"Đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tính cạnh tranh sẽ rất cao vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau. Do có sự di chuyển tự do lao động có tay nghề nên chất lượng nguồn nhân lực cũng là thách thức lớn.
Riêng với TPP và FTA Việt Nam - EU, sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu, dù lộ trình cắt giảm thuế quan khá dài (8-12 năm) do sức cạnh tranh sản phẩm Việt rất kém. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trở ngại lớn.
Một số đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là các doanh nghiệp mà khả năng cạnh tranh kém, khu vực nông nghiệp và nông dân. Khoảng cách giàu nghèo sẽ bị dãn ra, ảnh hưởng đến định hướng phát triển. Thách thức về thực thi, sửa đổi luật pháp, đào tạo nhân lực...
Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng ép đến đâu còn tuỳ thuộc vào đối sách của chủ thể, mà ở đây là Nhà nước và doanh nghiệp. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, phải hiểu rõ những cam kết để thực thi, nâng cao cạnh tranh để nắm bắt cơ hội, hoá giải những thách thức".
Ông Trương Đình Tuyển
"Muốn thoát Trung cũng không còn con đường nào khác là phải cải cách thể chế. Thể chế của Việt Nam khác với Trung Quốc, ưu việt hơn thì chúng ta mới chạy nhanh hơn và thoát khỏi họ. Giai đoạn tiếp theo là Việt Nam cần đổi mới công nghệ và không ngừng sáng tạo”, ông Tuyển nói.
Bộ truởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng cũng nhận định TPP mở ra cơ hội đa dạng hoá xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một nước khi xảy ra biến cố ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
"TPP cùng với hàng loạt các FTA đã và sắp tham gia sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hướng đến nhiều bạn hàng mới có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng phát biểu.
Đồng quan điểm, bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cũng cho rằng TPP chính là chìa khóa giúp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế tại Việt Nam, tăng khách du lịch, vốn ngoại. Nhiều nhà đầu tư Mỹ đang sang Việt Nam để tìm kiếm cơ  hội hợp tác làm ăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh thì cho rằng trước đây, khi tham gia WTO, Việt Nam yếu hơn bây giờ nhiều, nhưng thực tế đã chứng minh sau khi vào tổ chức này, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh chóng. Giờ đây, gia nhập TPP, Việt Nam cũng là nước kém phát triển nhất nhưng vẫn quyết tâm bước vào sân chơi này vì những lợi ích về mở rộng thị trường, tăng xuất - nhập khẩu là có thật. "Kinh tế chỉ phát triển khi chúng ta thay đổi, chấp nhận những thử thách mới. TPP là một xung lực mới, tạo điều kiện ổn định vĩ mô cho doanh nghiệp phát triển", ông Khánh nói.  

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius kể lại năm 2008, khi những vòng đàm phán TPP mới chỉ bắt đầu, nhiều người đã cho rằng một nước kém phát triển như Việt Nam sao có thể được bước vào các sân chơi lớn với nhiều tiêu chuẩn cao. "Người Việt Nam rất phi thường, đã chấp nhận táo bạo vì sự phát triển thịnh vượng trong tương lai", vị này nhận xét.
Cũng theo Đại sứ, để đưa một hiệp định thương mại phức tạp nhất với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất vào thực tiễn sẽ là một công việc khó khăn và mệt mỏi cho Việt Nam. "Những khó khăn đang chờ ở phía trước. Nhưng Mỹ sẽ luôn đứng sau Việt Nam, giúp đỡ thực thi hiệp định. Chúng tôi sẽ luôn có mặt, là đối tác, là bạn đồng hành, giúp Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân", ông Osius nói.
Theo Tổng Cục Thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất trong cán cân thương mại, khi nhập siêu 32,3 tỷ USD trong cả năm ngoái, lớn gấp nhiều lần mức nhập siêu chung của toàn nền kinh tế (3,2 tỷ USD). Nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng nhanh qua các năm.
Riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 49,3 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện. Xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua ước đạt 17 tỷ USD chủ yếu ở nhóm hàng rau quả, dệt may, giày dép...

Bạch Dương

 
Trang 114 trong tổng số 167 trang