TTO - Ngày doanh nhân Việt Nam, tôi thầm nghĩ về những sớ đất khô cằn của sự loay hoay, và mong cho những cơn mưa tri thức của tương lai, nhằm ươm mầm cho thương hiệu Việt vươn lên và vươn ra thế giới.
Eva Lee sở hữu 30 chi nhánh dạy kỹ năng mềm cho trẻ em tại Malaysia. Khi theo học khóa phát triển thị trường quốc tế hai ngày do Chính phủ Malaysia tổ chức ở Kuala Lumpur đầu năm 2016, cô tâm sự với tôi rằng điều lớn lao nhất mà cô nhận được từ chương trình “Doanh nghiệp thay đổi & hội nhập” (Business-In-Transformation) của Chính phủ Malaysia chính là những buổi học thế này.
“Là doanh nghiệp thuộc dạng nhỏ và vừa, cái chúng tôi thiếu nhất là kiến thức và kỹ năng, nhất là kiến thức về hội nhập, phát triển thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị”.
100 doanh nghiệp, 2 ngày cùng tôi trao đổi, thảo luận về nội lực doanh nghiệp, cơ hội quốc tế và chiến lược bước ra thế giới, họ như cánh đồng khô hạn vồ vập cơn mưa đầu mùa.
Có một nguồn năng lượng nảy mầm, đâm vỡ những sớ đất khô cằn của sự loay hoay, rồi vươn về phía trước. Ở đó, trong bầu không khí thịnh vượng của tương lai, tôi hiểu rằng tri thức chính là suối nguồn tái sinh, gột rửa những tư duy cũ kỹ, tân tạo cho doanh nghiệp một nguồn nội lực mới, một định hướng mới, một sức sống vững bền cho họ và cho một quốc gia.
Với mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia theo định hướng kinh tế tri thức, Malaysia đặt trọng tâm lớn nhất vào nền tảng nguồn vốn con người. Kế hoạch hành động mũi nhọn để đạt được mục tiêu này không gì khác hơn là chương trình nâng cao năng lực, nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tương đương tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng này đã và đang trực tiếp nâng cao giá trị của từng doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị của cả nền kinh tế Malaysia.
Do khởi điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia khá tương đồng với Việt Nam, chủ yếu đi lên từ doanh nghiệp gia đình, chương trình được chia thành 3 giai đoạn chính nhằm trả lời 3 câu hỏi cơ bản cho sự phát triển vững bền của một doanh nghiệp.
Câu hỏi thứ nhất là cơ hội bên ngoài, và câu hỏi này nhằm mở rộng tầm nhìn doanh nghiệp ra thị trường khu vực và quốc tế. Đã qua rồi cái thời ta chỉ nhìn xa đến vũng nước, bờ ao.
Các hiệp định thương mại tự do như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) hay khu vực kinh tế AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) đang xóa tan ranh giới địa lý và đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, dù xuất thân từ bất cứ quốc gia nào, cũng phải tham gia và chấp nhận sự cạnh tranh của hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và trên toàn thế giới.
Giai đoạn 1 vì vậy tập trung phổ cập kiến thức thị trường và cơ hội trên diện rộng cho tất cả các doanh nghiệp qua việc tổ chức những hội nghị, hội thảo có quy mô lớn, với sự tham gia của các diễn giả có kinh nghiệm về thị trường thế giới.
Giai đoạn 2 tập trung trả lời câu hỏi nội lực doanh nghiệp đến đâu và cần phát triển ra sao để có thể nắm bắt cơ hội quốc tế mới này.
Giai đoạn 3 tập trung bổ sung kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp bằng các khóa huấn luyện kỹ năng chuyên đề như tài chính, nhân sự, marketing, huấn luyện...
Sau khi đã được hỗ trợ kiến thức và kỹ năng, doanh nghiệp có khả năng hội nhập tốt, có tiềm năng phát triển lớn, và cam kết thay đổi để vươn lên thành thương hiệu quốc tế để đạt được những mục tiêu kết quả đã cam kết cùng chính phủ. Chỉ tại thời điểm này, doanh nghiệp mới được tiếp cận quỹ hỗ trợ tài chính với lãi suất 0%.
Mục tiêu rõ ràng, cụ thể, đo lường được của chính phủ và doanh nghiệp trong chương trình trở thành thước đo hiệu quả của từng giai đoạn.
Cứ như vậy, có một khát vọng chung giữa chính phủ và doanh nghiệp, có những hành động thực tiễn của từng cá nhân, từng tổ chức vì giá trị chung của một nền kinh tế.
Ngày doanh nhân Việt Nam, tôi thầm nghĩ về những sớ đất khô cằn của sự loay hoay, và mong cho những cơn mưa tri thức của tương lai, một cách nào đó cũng như Malaysia, nhằm ươm mầm cho thương hiệu Việt vươn lên và vươn ra thế giới.
NGUYỄN PHI VÂN