JA slide show

Từ 1/7, Việt Nam sẽ bỏ tù người sản xuất – kinh doanh chất cấm, thay vì chỉ phạt 10 triệu đồng

Muốn phạt được trường hợp sản xuất, bán thịt có chất cấm, phải truy được nguồn gốc chất cấm và có quy định bắt buộc kiểm tra tại trại nuôi.
Gia đình tôi hay sử dụng thịt trong bữa ăn hằng ngày nên mỗi lần đọc thông tin về thịt heo có chất tạo nạc, dùng chất cấm trong chăn nuôi… tôi lại thấy bất an. Đã có lúc tôi và nhiều bạn bè khác nói không với thịt vì đâu đâu cùng tràn lan thông tin thịt bẩn.
Nếu như trước đây quy định xử phạt hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn e dè thì từ năm 2016, Bộ NN&PTNT đã đưa chất cấm vào một trong những chương trình đấu tranh để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016 cũng đã có quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm… có thể bị phạt 1-20 năm tù. Đây là điều đáng mừng đối với người tiêu dùng, bởi những cá nhân, tổ chức có ý định sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải giật mình trước hình phạt nặng dành cho hành vi trái pháp luật của mình.
Khi người ta biết sợ thì thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có khả năng sẽ giảm đáng kể. Về mặt lý thuyết là như vậy, tuy nhiên liệu thực tế có dễ dàng bắt bỏ tù một bà bán thịt ngoài chợ hay chủ cơ sở giết mổ khi phát hiện thịt đó không đảm bảo VSATTP?
Muốn xử lý hình sự người vi phạm quy định về VSATTP, điều khó nhất là truy cho được nguồn gốc của thực phẩm. Ví dụ, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện một mẫu thịt heo của một hàng thịt ở chợ có sử dụng chất cấm. Tất nhiên, người bán thịt sẽ phân bua rằng tôi chỉ biết mua thịt về bán chứ không hề biết trong thịt có chất gì. Khi đó cơ quan chức năng phải xác minh xem thịt này được lấy từ đâu, lò mổ nào. Chủ lò mổ trưng ra giấy kiểm định của thú y đảm bảo heo không dịch bệnh, còn có dùng chất cấm hay không thì họ bảo không nuôi nên không biết (hoặc đã biết cũng thành… không biết!). Lại phải lần mò ra người nuôi con heo đó. Nhưng chủ lò mổ lại nói họ thu mua heo từ nhiều mối về giết mổ, khi phân phối ra chợ thì thịt heo bị trộn lẫn nên không thể xác định được con heo nào có chất cấm. Đến đây coi như cán bộ bó tay rồi!
Do vậy, khi xác định được thực phẩm có chất cấm thì cần phải truy cho được nguồn gốc. Gốc của chất cấm trong chăn nuôi chính là trong thức ăn, núp bóng thuốc thú y hay được người chăn nuôi mua trôi nổi về sử dụng, cũng có tình trạng thương lái ép người chăn nuôi trộn vào thức ăn. Vì thế khâu quản lý chất cấm trong các cơ sở, nhà máy thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cần phải được đặc biệt chú trọng. Nếu phát hiện thương lái hay cơ sở giết mổ có heo nhiễm chất cấm thì cần truy ra mua ở trang trại nào, trang trại đó mua chất cấm ở đâu. Đồng thời, phải bắt buộc xét nghiệm trước khi cho xuất chuồng, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chứ không chỉ lâu lâu làm một đợt như hiện nay, hoặc đợi phát hiện sản phẩm ra thị trường rồi mới chạy theo xử lý.
Suy cho cùng, phạt hành chính hay xử lý hình sự hành vi vi phạm quy định về VSATTP thì vấn đề đặt ra vẫn là đằng sau việc xử lý đó có thực sự triệt tiêu được hành vi vi phạm hay chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”, hoặc giải quyết phần ngọn mà không diệt tận gốc.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Phải yêu cầu chứng minh xuất xứ
Điều 317 BLHS 2015 đã khắc phục được bất cập so với Điều 244, BLHS 1999 là tăng nặng khung hình phạt và bỏ yếu tố phải gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là điều rất cần thiết bởi thực tế người tiêu dùng không chết ngay mà chất độc đó sẽ ngấm dần vào cơ thể gây nên những cái chết âm thầm.
Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 317 quy định hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm…”. Theo tôi, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể vì nếu không rất khó cho cơ quan có chức năng khi chứng minh việc người bán, cung cấp “biết rõ” thực phẩm đó có chất cấm. Cần có hướng dẫn theo hướng quy định cả người sản xuất, người bán và cung cấp phải chứng minh nguồn xuất xứ của thực phẩm mà mình sản xuất, bán, cung cấp cho người tiêu dùng.
Luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk:
Cần quy định buộc “phải biết” đó là chất cấm
Nếu quy định như khoản 1 Điều 317 BLHS 2015 thì sẽ chỉ xử lý nghiêm được người sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, còn người chế biến, buôn bán, cung cấp thì khó. Tất cả do vướng cụm từ “mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm”. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn chi tiết theo hướng quy định các tình tiết mà luật buộc anh phải biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, để tránh việc tùy tiện trong xử lý. Ví dụ, người giết mổ gà, heo bằng kinh nghiệm của mình thấy có những dấu hiệu bất thường của việc dùng thuốc tăng trọng hay bơm chất kích thích (thịt heo có nạc nhiều, lớp mỡ mỏng sát lớp da; da gà vàng bất thường…) thì phải kiểm tra hoặc báo cơ quan chức năng, không thể lấy lý do không biết để tiếp tục chế biến, buôn bán.


T.Tùng ghi


Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù 1-5 năm:
- Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
- Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
- Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm...(Trích Ðiều 317 Bộ luật Hình sự 2015)


Theo Nguyễn Thảo An
Pháp luật TPHCM