JA slide show

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Các đại biểu cho rằng tư duy này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.
Dự thảo văn kiện Đại hội XII xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó cũng là một phần quan trọng trong đổi mới thể chế kinh tế đất nước.
Bên lề Đại hội, các đại biểu cho rằng, tư duy này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hiện nay nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, với 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp trên 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc dự thảo văn kiện lần này xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện Đảng và Nhà nước tiếp tục ghi nhận những đóng góp của thành phần kinh tế này vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như trong dự thảo văn kiện đã đề ra, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng rất cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước.
“Chúng ta cần có định hướng rõ ràng hơn để thể chế hóa cơ chế chính sách cho phù hợp, làm sao tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân có thể phát triển đồng bộ và có hiệu quả hơn. Giải pháp công bằng là đưa ra cơ chế ưu đãi, để các thành phần kinh tế tư nhân đều có thể có sự lựa chọn cho mình một cách thích hợp nhất, từ đó có thể hoạch định đường lối phát triển cho sản xuất kinh doanh”, Đại biểu Ngọc cho biết.
Văn kiện Đại hội XII cũng nêu rõ “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, dù đang có sức vươn mạnh mẽ, song quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, sản phầm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế.
Do vậy, các đại biểu cho rằng, muốn có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thì cần đổi mới thể chế kinh tế.
Đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắc Nông cho rằng: Nếu khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân, cần phải có cơ chế chính sách phù hợp với từng loại hình và từng vùng, từng ngành để làm sao thành phần này thấy được sự tham gia tích cực vào nền kinh tế. Khi thấy được vai trò và trách nhiệm, những đóng góp đó là niềm vinh dự thì doanh nghiệp, doanh nhân mới có sự cố gắng triệt để.
Các đại biểu cũng tin tưởng rằng, với đột phá trong tư duy của Đảng về kinh tế tư nhân tại Đại hội lần này, cùng với việc cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách thì kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa./.

VOV