JA slide show

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2015: Sáng niềm tin vượt khó

Năm 2015 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm. Đặc biệt là giá dầu thô giảm mạnh cùng với sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu... tác động đến nền kinh tế nước ta. Song nhìn lại cả năm và kết quả chung cuộc, bức tranh kinh tế nước ta năm nay có nhiều gam màu sáng và tiếp thêm niềm tin mạnh mẽ vào một năm mới 2016 tốt đẹp hơn.


 
Kinh tế Việt Nam đã vượt khó ngoạn mục (Ảnh minh họa: KT)


1. GDP về đích 6,68% vượt kỳ vọng
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét, những khó khăn của nền kinh tế đang dần qua đi.  
Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014; đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,20 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,60%); ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ  năm 2010; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
2. Môi trường kinh doanh tăng 3 bậc
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2015, Việt Nam tăng được 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế. Trong đó, có nhiều chỉ số cải thiện đáng chú ý như: Nộp thuế tăng 4 bậc (172 lên 168); khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc (125 lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng tăng 22 bậc (130 lên 108); tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc (36 lên 28).
Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Ngay từ đầu tháng 12 năm nay, Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài và triển vọng trung hạn được đánh giá là tích cực. Thành quả này là minh chứng cho thấy điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đúng hướng.
Với việc Chính phủ đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… và kết quả khả quan bước đầu đã tiếp thêm niềm tin và kỳ vọng cho doanh nghiệp trong năm tới.
3. Lạm phát thấp nhất 14 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, mức tăng CPI này thấp nhất kể từ năm 2001. Thông thường, CPI tăng thấp là dấu hiệu cho thấy tổng cầu suy giảm, tuy nhiên mức tăng thấp của năm nay được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam, mức tăng trưởng kinh tế đáng kể đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm “khoảng đệm” chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”.
Còn Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.
4. Lãi suất ngân hàng giảm mạnh nhưng vẫn còn cao
Lãi suất ngân hàng là giá vốn của nền kinh tế. Lãi suất càng thấp càng tăng lực hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2015, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh những vẫn đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước; lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm.
5. Ứng phó thành công với "cú sốc" tỷ giá
Sau cú sốc phá giá 4,6% đồng NDT của Trung Quốc từ 11/8 buộc Việt Nam phải điều chỉnh mạnh theo. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào ngày 19/8, sau khi đã nới tỷ giá 2 lần mỗi lần 1% vào ngày 7/1 và 7/5. Lần đầu tiên sau 4 năm, NHNN trở lại với phương án điều chỉnh biên độ tỷ giá lên +/-2% vào ngày 12/8 và lên +/-3% vào ngày 19/8, tức là đồng VND được nới rộng tổng cộng +5% trong năm 2015.
Mặc dù lãi suất hiện nay được đánh giá đã giảm 50% so với thời điểm năm 2011, nhiều chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, nhưng nhìn chung doanh nghiệp đánh giá lãi này vẫn còn cao. Trong khi đó, NHNN vẫn phát đi tín hiệu khẳng định, dư địa để giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó, vì nếu giảm nữa thì có thể đạt được cái ngắn hạn, nhưng nó sẽ phá vỡ mục đích ổn định lâu dài.
6. Nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực trong nước ước tính đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU chiếm 19%...
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại năm 2015 nhập siêu 3,2 tỷ USD sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc ước tính nhập siêu tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước; thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 nhập siêu hơn 300 triệu USD.
7. Giá dầu thô giảm mạnh, thu ngân sách gặp khó
Giá dầu thô giảm xuống mức thấp kỷ lục dưới 40 USD/thùng đã gây nhiều khó khăn cho cân đối ngân sách nhà nước năm 2015. Khi giá dầu thấp kỷ lục, Bộ Tài chính đã ước thu ngân sách hụt khoảng 31.000 tỷ đồng.
8. Hiệp định TPP: Động lực hội nhập
Ngày 5/10/2015, Việt Nam cùng 11 đối tác đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được coi là hiệp định của thế kỷ 21, tạo ra những tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu ở cấp cao nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), TPP sẽ có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8-10%. Nhiều chuyên gia tin rằng, TPP là động lực để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau nhiều giải pháp đưa ra, cuối tháng 12/2015, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách cả năm đạt khoảng 973.000 – 976.000 tỷ đồng, vượt so với dự toán 911.000 tỷ đồng. Với kết quả này, dù ở tổng thể thì không đáng lo, là thành công của công tác thu ngân sách. Nhưng thực tế thu ngân sách địa phương tăng, còn hụt thu lớn của ngân sách Trung ương là vấn đề lớn, đặc biệt áp lực từ các khoản nợ, chi cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên…
Tuy nhiên, nhìn lại cả năm, dưới sự điều hành của Chính phủ, nền kinh tế đã không phải chịu nhiều tác động tiêu cực khi giá dầu giảm, mà thậm chí còn tận dụng được nhiều thuận lợi. Thay vì chiếm tỷ trọng khoảng 20% như trước đây, thu từ dầu thô hiện chỉ còn chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thu ngân sách. Đặc biệt, giá dầu giảm đã giúp kéo giá xăng thành phẩm giảm, góp phần tác động tích cực đến nền kinh tế vì đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng.
Tín hiệu đáng mừng nữa là trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vẫn tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP, cao hơn so với tỉ lệ này những năm trước chỉ ở khoảng 31% GDP.
9. Doanh nghiệp thành lập mới tăng, giải thể giảm
Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.
10. Cổ phần hóa DNNN không đạt mục tiêu
Theo lộ trình, giai đoạn 2011-2015 cả nước phải sắp xếp, cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Riêng trong năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa 285 doanh nghiệp. Thế nhưng đến cuối năm nay, vẫn còn khoảng 100 doanh nghiệp chưa thể cổ phần hóa. Mặc dù Chính phủ rất quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong số nhiều khó khăn, vướng mắc, có thể kể đến: xác định giá trị doanh nghiệp, đánh giá tài sản doanh nghiệp; chậm trễ trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan; vướng mắc trong chính sách, quy định...
Trong năm nay, cả nước có 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 42,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV khả quan hơn quý III; 19,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định./.


Xuân Thân/VOV.VN