JA slide show

MẢI MIẾT VỚI TPP DOANH NGHIỆP VIỆT ĐANG BỎ QUÊN MỘT THỊ TRƯỜNG VÔ CÙNG QUAN TRỌNG

Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020, AEC hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam


Theo tiến trình hội nhập, ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành. AEC được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế đồng đều; Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Trong một chia sẻ với báo chí gần đây, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong số các FTA thì sự cắt giảm thuế quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết trong AEC cũng cao nhất.
Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong quan hệ thương mại với các nước thành viên AEC, Việt Nam hiện đang xuất siêu sang Campuchia; Indonesia; Philipines và Myanmar. Còn lại Việt Nam nhập siêu từ Brunei, Lào, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Theo số liệu thống kê cập nhật đến ngày 15/12 của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên ASEAN đạt 16,83 tỷ USD (chiếm 11,35% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN đạt 21,68 tỷ USD; bằng 14,35% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2015.
Ba đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực là Malaysia, Thái Lan và Singapore. Trong khi đó, kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam với Brunei và Myanmar còn khá khiêm tốn và hiện đang dưới 1 tỷ USD.

Theo Trí thức trẻ