JA slide show

Tin tức

Trang trại heo đầu tư 130 tỷ đồng, hiện đại nhất Đông Nam Á

Trước khi vào ngắm đàn heo đang thư giãn trong những “resort”, phải qua 3 lần “tắm”, vệ sinh, sát trùng. Mỗi lần như vậy phải đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở.
Đó là “resort” heo ở ấp 7, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) của Cty Lộc Phát. Đây được coi là trang trại heo hiện đại nhất Đông Nam Á, tính đến thời điểm này, với số tiền đầu tư lên đến gần 6 triệu USD, tức khoảng hơn 130 tỷ đồng.
 
Bên trong trại heo
Những ‘ông Hoàng, bà Chúa’… heo
Trang trại heo nằm cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, biên giới Việt Nam – Campuchia chỉ vài km, gồm khu trang trại chính diện tích 54ha và 45ha vành đai. Thông thường, khi đến gần khu vực nuôi heo, người ta phải bịt mũi, nhăn mặt vì mùi hôi. Nhưng ở đây thì khác, bước chân qua cổng trại, tôi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy trang trại heo mà chẳng khác gì khu resort cao cấp. Những hàng cây, thảm cỏ, vườn hoa, hồ nước… đã xua tan cái nóng như rang ở vùng biên giới. Và không thấy dấu hiệu gì cho thấy đây là nơi đang nuôi đến 15.000 con heo các loại.
Sau khi đã trải qua các bước vệ sinh nghiêm ngặt, chúng tôi bắt đầu đi tham quan những chuồng heo bằng xe điện. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cty Lộc Phát cho biết, trang trại dành đến 2/3 diện tích cho cây xanh, hồ nước, công viên. Chỉ riêng chi phí đầu tư cho cây xanh đã hết 4 tỷ đồng.
Là người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi heo, xây dựng hệ thống chuồng heo khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung, trước khi xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn châu Âu này vào năm 2009, ông Hiếu đã nhiều lần sang Thái Lan tham quan mô hình chăn nuôi heo hiện đại của tập đoàn C.P. Trang trại Phát Lộc cũng là sản phẩm hợp tác với Cty C.P Việt Nam.
Ông Hiếu cho biết, trang trại được thiết kế, vận hành theo quy trình tự động, khép kín với quy mô 2.400 heo nái, nọc và hơn 12.000 heo thịt theo tiêu chuẩn GMP. Mỗi loại heo được phân chia, chăm nuôi bằng kỹ thuật, quy trình riêng, gồm 6 trại heo mang thai, 4 trại heo nái và 1 trại heo nọc, heo con cai sữa, heo thịt.
Nguồn heo giống bố mẹ được nhập từ C.P Thái Lan, Đan Mạch, được sàng lọc rất kỹ để đạt tiêu chuẩn tốt nhất, chất lượng cao. Các trại đều có đường dẫn thức ăn tự động đến các chuồng heo. Chế độ ăn trong đó đủ lượng, dinh dưỡng theo trọng lượng, tuổi và phù hợp sức khỏe của heo từng ngày.
Tất cả các trại đều có hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, phù hợp sức khỏe cho heo. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho heo.
“Heo sinh sau 21 ngày là cai sữa, đến 5 – 6 tháng tuổi, heo đạt trọng lượng trên 110kg. Lúc này bắt đầu được chọn lọc con tốt để cung cấp giống nái, nọc cho các trại chăn nuôi trong hệ thống C.P. Heo giống được quản lý chặt chẽ, có lý lịch trích ngang, đảm bảo không bị trùng huyết. Số heo không đạt tiêu chuẩn chọn giống sẽ được chuyển qua trại nuôi heo thịt”, ông Hiếu nói.
Với hệ thống xử lý chất thải biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được đưa vào hệ thống xử lý, tạo ra 30% năng lượng gas, điện cho toàn trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng.
Với tiêu chuẩn hình mẫu về trang trại chăn nuôi hiện đại, đầu năm 2015, trang trại chăn nuôi Lộc Phát gồm 2 cơ sở là Lộc Ninh 1 và 2, đã được tổ chức SGS cấp 2 chứng chỉ ISO quốc tế gồm ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng và ISO 14001:2004 về hệ thống quản lý môi trường. Đây là hai trang trại chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam đạt cả hai chứng chỉ ISO quốc tế về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường.
Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Đây không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là nguồn lợi rất lớn của công ty.
Lợi ích kép
Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhất, hiện năng suất chăn nuôi của Lộc Phát tương đương các nước phát triển của châu Âu và Mỹ, với năng suất sinh sản hiện tại đạt 27 heo con cai sữa/nái/năm. Đây là một mô hình mẫu cho phát triển trang trại chăn nuôi heo tại Việt Nam.
Ngoài việc đầu tư hệ thống bài bản, hiện đại, còn đầu đầu tư trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn của Cty C.P, giúp sinh viên các trường đại học, cao đẳng có điều kiện học tập và thực hành tất cả các quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo từ sản xuất heo con cai sữa đến heo giống hậu bị xuất chuồng.
Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng hàng đầu để tồn tại bền vững và ngày càng đi lên, đó là vấn đề xử lý môi trường. Ông Hiếu tâm sự, ở bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi người làm phải có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống và lợi ích cho đối tượng liên quan trước khi nghĩ đến lợi ích của mình. Chăn nuôi là một trong những ngành tác động lớn nhất đến môi trường, nếu nhà đầu tư nghĩ đến cái lợi trước mắt, không có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý thì hậu quả sẽ vô cùng lớn.
Ngược lại, nếu muốn phát triển bền vững, thì phải đầu tư bài bản, đó không chỉ là sự khôn ngoan, mà còn thu lợi ích kép. Bởi khi đã đầu tư bài bản, theo quy trình xử lý khép kín, các chất thải chăn nuôi sẽ đem lại nguồn lợi không hề nhỏ, tạo môi trường sạch, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
 “Những lần sang Thái Lan tham quan, tôi học được ở họ điều này: Đầu tư hướng đến lợi ích cho cộng đồng và nhân viên trước, sau đó mới đến lợi ích công ty.
Hơn ai hết, tôi hiểu nếu sống gần một trại nuôi heo mà chất thải không được xử lý thì sẽ khổ thế nào. Lúc ấy dù có ăn cao lương mỹ vị, nằm ngủ trên giường bằng vàng đi nữa cũng không sướng nổi. Cho nên, yêu cầu bắt buộc đối với trang trại heo là không được ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường”, ông Hiếu nói.
Trang trại chăn nuôi Lộc Phát chính thức thả heo năm 2011, đến nay mới chỉ hoạt động 4 năm, nhưng ông Hiếu tự tin cho biết, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu hồi vốn. Bởi trang trại đang đi đúng hướng là đầu tư bền vững. Lộc Phát đang là một trong số ít doanh nghiệp ở Lộc Ninh đóng thuế cho nhà nước cao nhất. Không bao lâu nữa, nguồn thu của trang trại không chỉ có heo, mà còn từ những ao cá, đàn cá sấu hàng ngàn con và nhiều cây trồng khác.

Tác giả: Phúc Lập
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

 
Trang 64 trong tổng số 167 trang