JA slide show

Tin tức

Đổ xô nuôi heo 'sạch'

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn với quy trình khép kín nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm thịt an toàn, giá cạnh tranh.
Vừa giới thiệu ra thị trường từ đầu tháng 10/2016, mặt hàng thịt heo thảo mộc của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã được khá nhiều người tiêu dùng TP.HCM tìm mua. Mỗi ngày, 4 cửa hàng của Sagri bán ra khoảng 10-15 con heo thảo mộc, tương đương hơn 1.000 kg thịt và chỉ trong buổi sáng đã hết hàng dù giá cao hơn giá thịt heo bình ổn khoảng 20%.
 
Thịt heo VietGAP của An Hạ tại chợ phiên nông sản an toàn cam kết không có chất cấm (Ảnh: minh họa).
Nhu cầu rất lớn
Sagri cho biết giá thịt heo thảo mộc cao hơn heo nuôi theo mô hình an toàn do chi phí chăn nuôi cao hơn. Trong tương lai, khi thị trường chấp nhận sản phẩm này thì công ty sẽ mở rộng quy mô, giảm giá thành để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Công ty đang tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và tăng đàn, dự kiến Tết 2017 sẽ cung ứng cho thị trường TP.HCM khoảng 50-100 con heo thảo mộc mỗi ngày.
Trước đó, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM như Vissan, An Hạ đã bán 100% heo VietGAP ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Vissan mỗi ngày bán ra khoảng 1.000 con heo VietGAP nhưng chỉ bằng 10% tổng lượng thịt heo thị trường tiêu thụ. Điều này cho thấy thị phần cho thịt sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng vẫn còn rất lớn.
Việc người tiêu dùng tìm mua thịt heo thảo mộc hay thịt sạch nhằm bảo vệ mình trước nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn, kém chất lượng cho thấy nhu cầu được tiêu dùng thực phẩm an toàn, chất lượng đang rất bức thiết. Thấy rõ thực trạng này, TP.HCM quyết tâm đẩy lùi thịt bẩn ra khỏi bữa ăn của người dân.
Trước mắt, TP.HCM đang triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, kiểm soát nguồn gốc thịt từ trang trại đến quầy sạp ở chợ, siêu thị. Người tiêu dùng có thể kiểm tra được những thông tin truy xuất đó thông qua ứng dụng trên điện thoại.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đang làm việc với các tỉnh về công tác phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo. Theo đó, từ tháng 11, TP sẽ thí điểm chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo ở 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và 5 chợ lẻ loại 1 là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông.
Chương trình nêu trên nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thịt heo bán ra thị trường, dần đẩy lùi thịt bẩn ra khỏi bữa cơm của người dân, loại bỏ các nguồn sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Song song đó, tạo sân chơi bình đẳng cho các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Nhiều đại gia vào cuộc
Nếu trước đây, các DN như Vissan, CP làm chủ thị trường thịt heo Việt Nam thì hiện nay, thêm nhiều DN lớn đang đầu tư mạnh vào mảng này để khai thác thị trường trị giá lên đến 18 tỷ USD. Cả phân khúc thịt tươi lẫn thịt chế biến vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư mới vào khai thác.
Mới đây, 3 DN Pháp là Grimaud, Neovia, Le Boucher đã hợp tác với các hộ chăn nuôi tại ĐBSCL trong dự án có tên là Le Porc du Mékong, xây dựng quy trình khép kín 3F (feed - chăn nuôi, farm - trang trại, food - thực phẩm). Dự kiến, từ đầu năm 2017, sản phẩm của Le Porc du Mékong sẽ có mặt tại các siêu thị Metro, Vinmart, Big C, Auchan và Co.opXtra, không chỉ hướng tới phân khúc cao cấp mà bước đầu tập trung vào khách hàng bình dân.
Một số DN ngoài ngành cũng chính thức bước 2 chân vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát (chuyên về sản xuất thép) đã nhập 1.800 con heo giống cụ kỵ từ Đan Mạch về Việt Nam, hướng đến mô hình chăn nuôi khép kín, đi từ thức ăn chăn nuôi, con giống, mở trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và cuối cùng là tổ chức mạng lưới khép kín.
Trước đó, năm 2015, Hòa Phát đã chi 300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên. Dự kiến, đến đầu năm 2018, Hòa Phát sẽ bắt đầu cung cấp thịt heo, heo giống và đặt mục tiêu đạt 650.000 con vào năm 2021.
Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương cũng vừa đầu tư 2.000 tỷ đồng phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín, từ khâu con giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, năm 2017, sản phẩm mang thương hiệu “heo Hùng Vương” sẽ có mặt trên thị trường với giá cạnh tranh. Đến năm 2018, Hùng Vương sẽ có 100.000 con heo giống bố mẹ, 3 triệu con heo thương phẩm.
Ngoài ra, Tập đoàn Masan (chuyên về thực phẩm tiêu dùng nhanh) cũng đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi riêng, đầu tư vào nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, liên kết với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), mua cổ phần Vissan... để sản xuất thịt sạch. Ngay cả Vissan cũng vừa nhập 220 con heo giống cụ kỵ từ Mỹ về Việt Nam để thực hiện chiến lược phát triển nguồn, góp phần hoàn thiện chuỗi truy suất nguồn gốc 3F.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, càng có nhiều DN đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn, quy trình khép kín thì sẽ đặc biệt có lợi cho người tiêu dùng vì được ăn thịt an toàn hơn, giá cạnh tranh hơn. Trong cuộc cạnh tranh này, Vissan đang được nhiều lợi thế bởi có hệ thống phân phối rộng khắp, ổn định. Xây dựng hệ thống phân phối là việc không dễ, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc...
Hàng chất lượng vẫn khó bán
Trước thịt heo thảo mộc, thị trường TP.HCM đã có gà thảo mộc của Vissan, San Hà nhưng cả 2 thương hiệu này đều không trụ lại được. Ông Văn Đức Mười cho rằng sự thất bại của các sản phẩm thịt gà thảo mộc thời gian qua là do đại bộ phận người dân chưa sẵn sàng trả giá cao hơn để mua sản phẩm chất lượng.
Thực tế này lý giải vì sao thời gian gần đây, các nhóm nhỏ bán thực phẩm quê, một số còn tổ chức giết mổ heo, gà, vịt… rồi rao bán với giá cao hơn giá thị trường 20%-30%. Trong khi đó, DN giết mổ công nghiệp lớn như Vissan không thể tăng giá bán thịt heo VietGAP vì phải duy trì mức giá bình ổn thị trường.

Dính hóa chất từ chuồng nuôi đến bàn ăn: Món ăn thành nỗi sợ
Lúc nuôi, heo được cho ăn salbutamol, cysteamine để tăng trọng, tạo nạc. Đến lúc giết thịt bán, heo được bơm chất an thần, hóa chất để tươi ngon.

Theo Thanh Nhân/Người Lao Động

 
Trang 33 trong tổng số 167 trang