Việt Nam xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp nhiều, nhưng người tiêu dùng nước ngoài không biết đến đấy là sản phẩm của Việt Nam. Trong khi đó, Đài Loan là một ví dụ khác về việc chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang hàng đông lạnh, chế biến.
Đây là nhận xét của ông Steven Jaffee, chuyên gia kinh tế trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Báo cáo Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào.
Theo đó, hơn 80% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam là sản phẩm thô, không phải dưới dạng thành phẩm. Như vậy, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội nâng cao giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng ở đây có thể thu được thông qua những sản phẩm "tinh hơn" có "thương hiệu hơn".
Câu chuyện hàng hóa Việt được bày bán ở nước ngoài nhiều nhưng lại không được "biết tiếng" không phải là vấn đề mới mẻ. Trước đó, tại một buổi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã cho biết: “Nhiều sản phẩm của chúng ta được xuất ra nước ngoài nhưng gần như nó không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào, từ con cá tra đến quả vải thiều... gần như tất cả sản phẩm đó đều được ghi chung là Product of Vietnam - sản phẩm của Việt Nam. Rất khó để Việt Nam có một thương hiệu lớn!”
Lấy Ấn Độ làm ví dụ, báo cáo của WB chỉ ra: “từng là nước sản xuất, xuất khẩu đồ gia vị hàng đầu, Ấn Độ ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng về giá, cụ thể là từ Việt Nam bằng cách chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu, bao bì cũng như các loại tinh chất, tinh dầu hương liệu.
Tuy nhiên, WB cũng cho biết sẽ không có kịch bản này nếu Ấn Độ không đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo bậc đại học.
Một câu chuyện khác được WB chỉ ra trong báo cáo để dẫn chứng “từ nguyên liệu đến sản phẩm giá trị gia tăng” là Đài Loan. Theo đó, trong mấy chục năm qua Đài Loan đã có sự thay đổi đáng kể: chuyển dịch từ các sản phẩm thô sang sản phẩm đóng hộp và sau đó từ sản phẩm đóng hộp sang đông lạnh, chế biến thức ăn sẵn. Đến năm 1980, gần 60% hàng nông sản xuất khẩu của Đài Loan đã là hàng rau quả đóng hộp và hải sản chế biến. Các mặt hàng ăn uống đông lạnh, chế biến sẵn có giá trị gia tăng cao bắt đầu từ năm 1990 khi thị trường thực phẩm đóng hộp ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Vì vậy, WB nhấn mạnh Việt Nam trong thời gian tới phải chú ý gia tăng thêm giá trị. Chú ý đến thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm cũng như chú trọng gây dựng thương hiệu của sản phẩm Việt Nam trên thị trường nước ngoài.
Đức Minh
Theo Trí thức trẻ