Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, Việt Nam không được nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7/2017 cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại...
Đó là nhận định của TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello – Thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - nói khi đề cập tới triển vọng kinh tế năm 2017.
Theo ý kiến của TS. Đinh Tuấn Minh, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Trong đó có tương lai mờ mịt của TPP khi Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này.
“Việc Mỹ rút khỏi TPP làm ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của hiệp định khi riêng nền kinh tế Mỹ đã chiếm tới 60% tổng GDP của các nước thành viên. Đối với Việt Nam, sự thất bại của TPP sẽ khiến Việt Nam mất cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn bậc nhất này”, chuyên gia MarketIntello dự báo.
Theo chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu MarketIntello, việc phải chuyển dần sang ưu tiên đàm phán thương mại song phương, đặc biệt với các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương là phương án cần được tính đến.
Cũng theo phân tích TS. Đinh Tuấn Minh, trong tháng 1/2017, FDI cả đăng ký mới và thực hiện đều khá hơn so với 1/2016 (vốn đăng ký và thực hiện trong tháng 1/2017 ước tính lần lượt đạt 1,244 tỷ USD và 850 triệu USD, tăng 23% và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016).
Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển, cùng với đó là sự bế tắc của TPP khiến Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút FDI, chuyên gia của MarketIntello nhận định.
“Thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển kinh tế xã hội”, TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng: Trong bối cảnh này, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi phân tích cơ cấu đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân từ năm 2000 đến nay cho thấy không có nhiều sự đột phá. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân chỉ đạt 39% - nhỉnh hơn không nhiều so với các mốc trước đó.
“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh việc thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, Vinamilk và xem xét lại mô hình Uỷ ban quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng nhiều biện pháp hỗ trợ và cắt giảm thủ tục hành chính. Tôi cho rằng các chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để khuyến khích khu vực tư nhân”, ông Đinh Tuấn Minh nói.
TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng, việc đưa ra những chính sách nỗ lực cải cách chính là hy vọng cho năm 2017 mặc dù hiện tại chúng ta thấy các vấn đề của nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào FDI.
Chính phủ cần có những giải pháp mạnh hơn nữa để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cũng như có những giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh...
Đây sẽ là những cơ sở tốt để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư phát triển, TS. Đinh Tuấn Minh khuyến nghị.
Theo N.Mạnh
BizLIVE