JA slide show

Tin tức

Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ"

Sáng 23-2, lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới thực hiện, đã diễn ra tại Hà Nội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, cùng nhiều bộ trưởng, các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã tham dự lễ công bố báo cáo này...


Tấm gương thành công về phát triển
Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” là sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và WB được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jim Yong Kim chấp thuận vào tháng 7-2014.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Jim Yong Kim đều đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam trong gần 30 năm qua. Theo báo cáo trên, sau gần ba thập kỷ kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo được công bằng và ổn định. Đến năm 2015, đất nước đã chuyển biến hoàn toàn và trở thành nền kinh tế năng động, có thu nhập thấp. Nhờ tăng trưởng cao và thành quả được chia sẻ cho mọi người dân, các lĩnh vực xã hội đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh chóng từ khi bắt đầu Đổi mới tính theo chuẩn nghèo quốc tế cũng như trong nước. Không chỉ có thu nhập cao, người dân có trình độ học vấn và tuổi thọ bình quân cao hơn với hầu hết các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương… Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, Việt Nam vẫn thua kém trong một số lĩnh vực như năng suất lao động vẫn ở mức thấp, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn lớn.
 
“Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển, từ một trong những nước nghèo nhất, trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực”, Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh.
Với những thành tựu trên, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tham vọng hơn, đó là trở thành một nước có thu nhập trung bình cao trong hai thập kỷ tới. “Chúng tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đó và Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã đề ra những biện pháp cải cách để giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong hai thập kỷ tới”, ông Jim Yong Kim cho hay.


6 chuyển đổi trên ba trụ cột chính
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, được thực hiện trong gần hai năm, báo cáo gồm 7 chương nghiên cứu sâu ba trụ cột: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân; thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao hiểu quả khu vực công.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dựa trên ba trụ cột trên, báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện 6 chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao: Thứ nhất, xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Thứ hai, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Thứ tư, bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển. Thứ năm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Thứ sáu, gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận.

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Báo cáo cho rằng Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7%/năm để nâng mức thúc nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua) so với 2.052 USD năm 2014 (khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương). “Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội của mình. Báo cáo cũng gợi ý rằng, Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch, là những bước có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình”, Chủ tịch Jim Yong Kim khẳng định.


Một nửa dân số gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu
Một trong số những điểm nổi bật của Báo cáo cho biết, tầng lớp trung lưu nổi lên nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng ở Việt Nam cũng mang lại thêm một cơ hội lớn. Việt Nam có 90 triệu dân, đứng thứ 14 về dân số trên thế giới.

Báo cáo chỉ ra rằng, nền kinh tế với quy mô 200 tỷ USD hiện nay sẽ đạt khoảng gần 1.000 tỷ USD vào năm 2035 và hơn nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc hơn thế (tính theo sức mua tương đương của đồng USD năm 2011). So với con số dưới 10% hiện nay, điều này cũng khiến cho thị trường trong nước có tiềm năng trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, theo Báo cáo, ít nhất 54 triệu trong tổng số 108 triệu dân Việt Nam sẽ sinh sống tại đô thị vào năm 2035, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị so với hiện nay. Như vậy, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 33%, cần phải tăng từ 1-2 % mỗi năm để thực hiện mục tiêu trên.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những khuyến nghị trong báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam  tham khảo trong việc hoạch định chính sách sắp tới. Về phần mình, Chủ tịch Jim Yong Kim khẳng định, Báo cáo là tài liệu vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và cả WB. Báo cáo không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam mà thế giới còn học hỏi được từ kinh nghiệm của Việt Nam. “Khi Việt Nam thực hiện những tham vọng trong tương lai, thế giới sẽ dõi theo và học tập”, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH

 
Trang 109 trong tổng số 167 trang